Trung Quốc "cắt lát xúc xích" ở Biển Đông

Thứ tư, 20/12/2017, 10:01
Bằng các hoạt động âm thầm với tốc độ vừa phải, Trung Quốc đang dần tạo ra sự thay đổi chiến lược quan trọng rất đáng lo ngại trên Biển Đông.


Các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền VN

Mới đây, Trung Quốc lần đầu công khai xác nhận việc triển khai chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của VN. Tiếp đó, nước này ngang nhiên đưa máy bay vận tải quân sự diễn tập phi pháp ở Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng đó không phải là diễn biến bất ngờ mà là những bước đi trong chiến lược dài hơi đầy tham vọng của Trung Quốc tại khu vực.

Chiến lược nhất quán

Theo Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ), sau khi hoàn thành xây đắp phi pháp tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa vào khoảng cuối năm 2015, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa (khu vực đảo Cây), đồng thời trang bị cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở cả hai quần đảo trên của VN.

“Các hoạt động xây dựng cơ sở, công trình và triển khai vũ khí, khí tài quân sự trên các vị trí mà Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn nằm trong chiến lược nhất quán của họ tại Biển Đông. Một chủ trương lớn trong chiến lược này là biến các vị trí chiếm đóng thành căn cứ hậu cần và căn cứ quân sự tiền phương, tạo bàn đạp cho các phương tiện như máy bay, tàu nổi, tàu ngầm của Trung Quốc tỏa ra thống lĩnh vùng trời và vùng biển ở Biển Đông”, ông Vuving nhấn mạnh với PV.

Chuyên gia này cho rằng việc xây đảo nhân tạo trong khoảng thời gian 2013 - 2015 là một bước rất quan trọng, nhưng chưa phải là bước cuối cùng trong quá trình Trung Quốc theo đuổi. Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế - ĐH KHXH-NV TP.HCM nhận định với PV: “Trung Quốc muốn biến các khu vực đã chiếm đóng thành cứ địa nổi, có khả năng cung cấp dịch vụ hậu cần lẫn tác chiến quân sự, bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông”.

Theo Giáo sư Vuving, với chiến thuật “cắt lát xúc xích”, Trung Quốc không đi quá nhanh nhằm khỏi gây ra sự phản kháng mạnh mẽ, nhưng vẫn duy trì các bước đi ở một tốc độ vừa phải, đủ để không làm ảnh hưởng đến các dự án lớn khác như sáng kiến Vành đai và Con đường. Chuyên gia Mỹ phân tích hiện nay các công trình của Trung Quốc đã tạo thành một loạt tam giác chiến lược từ bắc đến nam khu vực Biển Đông, với đầy đủ sân bay, cảng biển, cơ sở hậu cần, năng lượng, thông tin và do thám.

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ dần đưa các công trình này vào sử dụng, rồi tăng công suất lên. “Trong khoảng 5 - 10 năm tới, Trung Quốc có thể tiến đến giai đoạn cuối trong quá trình tạo dựng và củng cố thế đứng của họ trên Biển Đông, tức là giai đoạn mà từ các bàn đạp trên các đảo chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc có thể phản ứng tức thời và áp đảo lực lượng của bất kỳ nước nào khác trên bất cứ khu vực nào ở Biển Đông. Cần nhớ là Trung Quốc đang đóng thêm một số tàu sân bay mới và trong 5 - 10 năm nữa, Bắc Kinh hoàn toàn có thể để một tàu sân bay thường trực ở Biển Đông”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, tiến sĩ Trung nhận định tùy theo tình hình khu vực và thế giới mà Trung Quốc có thể giảm các hoạt động, nhưng chắc chắn họ sẽ không dừng cho đến khi mục tiêu hoàn thành.

Bài toán đối sách

Giáo sư Vuving đánh giá thực tế hiện nay, các nước khác chưa có chiến lược hữu hiệu để ngăn cản Trung Quốc tiếp tục xây dựng, triển khai cơ sở trên các vị trí nước này chiếm đóng ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về phía Mỹ, chính sách đối với Biển Đông dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump có sự thay đổi so với chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama. Sự thay đổi đó theo hướng “tăng thực lực, giảm tuyên ngôn”.

Theo chuyên gia Mỹ, các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ vẫn diễn ra, có phần bạo dạn hơn, nhưng hạn chế “trống giong cờ mở” hơn trước. “Mức độ triển khai thực lực quân sự trên Biển Đông của chính quyền Tổng thống Trump thực ra không hề giảm, thậm chí còn tăng so với chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, cả hai chính quyền Trump và Obama đều không hề có đối sách hữu hiệu để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ chỉ có tính biểu tượng, phát đi thông điệp rằng Mỹ không chấp nhận yêu sách của Trung Quốc, nhưng lại không hề ngăn cản quá trình xây dựng và triển khai của Trung Quốc tại các đảo họ đang chiếm đóng”, ông Vuving nói với PV.
Theo đánh giá của Giáo sư Vuving, nếu so sánh lượt tàu chiến xuất hiện và tuần tra trên Biển Đông thì lực lượng của Mỹ cũng đang ít hơn Trung Quốc. Một khi có sự kiện nào đó xảy ra, Mỹ cũng không thể đối phó tức thì với sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc tại khu vực. Ngoài ra, các nước Đông Nam Á ven bờ cũng chưa nước nào có đủ thực lực để tạo cân bằng lực lượng với Trung Quốc.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn