|
Nhiều chuyên gia nhận định quan hệ Mỹ - Trung có thể sắp dậy sóng sau một năm tương đối êm đẹp. Ảnh: Today Online. |
Hai dự luật này vẫn cần được Thượng viện Mỹ thông qua và Tổng thống phê chuẩn trước khi trở thành luật, nhưng diễn biến này chắc sẽ chọc tức Bắc Kinh vì ông Trump mới một năm trước đã có cuộc điện đàm chưa từng có tiền lệ với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và gợi ý rằng có thể thay đổi chính sách “một Trung Quốc”.
Nếu hai dự luật trên được thông qua, chính quyền Mỹ sẽ có thể xác định cách thức thi hành, giúp ông Trump và đội của mình dùng chúng làm công cụ mặc cả với Trung Quốc, các nhà phân tích đánh giá.
Dự luật mang tên Đạo luật đi lại Đài Loan được soạn thảo để tăng cường trao đổi chính thức giữa Washington và Đài Bắc. Đạo luật này sẽ cho phép các quan chức chính phủ Mỹ đến Đài Loan để gặp các quan chức vùng lãnh thổ này. Đạo luật cũng mở đường cho các quan chức cấp cao Đài Loan thăm Mỹ và gặp các quan chức Mỹ, bao gồm cả các quan chức của hai bộ ngoại giao và quốc phòng. Những cuộc gặp như vậy không diễn ra kể từ khi Washington chuyển thừa nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Băc Kinh năm 1979.
Dự luật thứ hai nhằm giúp Đài Loan lấy lại địa vị quan sát viên tại Hội đồng Y tế thế giới, cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới.
Hai dự luật cho thấy Đài Loan vẫn là một điểm nghẽn giữa Bắc Kinh và Washington, dẫu ông Trump đã nói với Chủ tịch Trung Quốc rằng sẽ tôn trọng chính sách một Trung Quốc. Điều này cho thấy dù thừa nhận chỉ có một Trung Quốc nhưng Bắc Kinh và Đài Bắc có cách giải thích khác nhau về tên gọi này.
Hai đạo luật được Hạ viện Mỹ thông qua sau khi ông Trump tháng trước ký ban hành Đạo luật ủy quyền quốc phòng mà một phần nội dung trong đó cho phép quân đội Mỹ trao đổi nhiều hơn với Đài Loan, bao gồm các hoạt động đưa tàu chiến vào thăm cảng.
Việc ông Trump thông qua đạo luật này gây phản ứng mạnh từ Bắc Kinh. Ông Li Kexin, cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cảnh báo rằng nếu Mỹ đưa tàu chiến cập cảng Đài Loan sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh sử dụng Luật chống ly khai của nước này. “Thời điểm tàu chiến Mỹ cập cảng Cao Hùng (của Đài Loan) sẽ là lúc Quân đội nhân dân Trung Quốc giành lại Đài Loan bằng vũ lực”, ông Li nói.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng ông Trump sẽ phải cân nhắc rủi ro chính trị của việc thông qua hai dự luật nói trên và sử dụng chúng để mặc cả với Bắc Kinh.
Ông Zhang Yuquan, nhà phân tích tại ĐH Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, cho rằng ông Trump có nhiều lựa chọn. “Ông ấy có thể không ký, hoặc nếu ký thì có thể không triển khai, hoặc ông ấy có thể chỉ gửi hoặc nhận một vài quan chức cấp thấp. Đó là cách ông ấy giao dịch với Trung Quốc”, ông Zhang nói.
“Không ai nên nghi ngờ quyết tâm mạnh mẽ của ông Tập trong việc thống nhất đất nước. Vì thế, tôi nghĩ ông Trump cũng sẽ chỉ thỏa thuận với Trung Quốc bằng công cụ mặc cả này”.
Ông Jia Qingguo, chủ nhiệm khoa quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng Tổng thống Mỹ thích tạo ra một số điều bất định trong chính sách của mình.
“Ông ấy muốn trở thành người khó đoán, nhưng ông ấy cần xử lý thận trọng vì Trung Quốc sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu xảy ra một cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan. Điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích quốc gia của Mỹ”, ông Jia nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra sẽ là việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington. “Nhưng tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ đi xa như thế”, ông Jia nói.
Trả đũa thương mại
Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cảnh báo ông Trump đang chịu áp lực chính trị ngày càng lớn về việc phải có hành động với đối tác thương mại lớn nhất của nước này khi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không còn là đồng minh của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống lại các biện pháp bảo hộ. Vì thế, ông Trump có thể sớm có biện pháp trừng phạt thuế quan với Trung Quốc.
“Có những dấu hiệu cảnh báo rằng chính quyền Trump sắp có hàng loạt hành động thương mại cứng rắn với Trung Quốc và điều này không thể nhầm được”, ông Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại một hội nghị ở Hong Kong.
Ông Russel nói rằng không chỉ có “phong trào chính trị mạnh mẽ, cả ở cả cấp cơ sở và quốc hội rằng cần phải có hành động cứng rắn để thuyết phục Trung Quốc điều chỉnh, mà điều đáng ngại hơn cả là cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã trở nên cực kỳ khó chịu với những trở ngại họ gặp phải ở Trung Quốc”.
Những dấu hiệu cho thấy ông Trump sắp có biện pháp thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, trở nên rõ ràng hơn vào tháng trước, khi Tổng thống Mỹ cáo buộc Bắc Kinh “cố làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.
Những quy định yêu cầu các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc phải chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ với đối tác liên doanh đã vấp phải phản ứng của nhiều nhóm công nghiệp, bao gồm Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc. Những doanh nghiệp này cho rằng cần phải dựa trên nguyên tắc có đi có lại hoặc bình đẳng trong cách đối xử với công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Theo Tiền Phong