Để Garage Motor Tự Thanh Đa đã khẳng định với bạn bè thế giới rằng, tại Việt Nam cũng có thể làm ra những sản phẩm tuyệt vời đáng để họ phải nể phục tài hoa của người Việt |
Garage Moto Tự Thanh Đa tại số 336 Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) là địa điểm nổi tiếng với giới chơi xe, đặc biệt là tại Sài Gòn. Nơi đây được biết đến khi cho ra những sản phẩm xe “độ” đẹp mắt và độc đáo từ sự sáng tạo của anh Nguyễn Vi Tự (47 tuổi, chủ garage). Và anh Tự độ xe cho khách sưu tầm hoặc trưng bày là chính, chứ không dùng để lưu thông.
|
Với Tự Thanh Đa, "độ" xe không đơn giản là kiếm sống mà còn là "cả cuộc đời" |
Thợ sửa xe 12 tuổi
Anh Tự trầm ngâm khi nhớ lại tuổi thơ nghèo khó: “Quê mình nghèo, nhà mình lại còn nghèo nhất ở quê luôn. Hồi đó không có tiền đi học, thấy ba mẹ khổ quá nên tôi quyết định nghỉ để đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Mình ít học thì đâu làm được gì, cuối cùng tôi xin phụ việc tại tiệm sửa xe gần nhà rồi học nghề luôn”.
12 tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa ngày ngày cắp sách đến trường thì Vi Tự lại cần mẫn bên đống dầu nhớt, cờ lê, mỏ lết. “Nhiều lúc thấy bạn bè đi học mình cũng thèm. Nhưng thôi, ráng làm có tiền rồi sau này học bù lại cũng được”.
Anh tâm sự: “Cuộc đời tôi có lẽ sẽ mãi chỉ là một người học việc, chấp nhận ăn lương sống qua ngày nếu không có một biến cố xảy ra năm tôi 13 tuổi”. Năm đó hạn hán kéo dài, mẹ anh lâm bệnh nặng cần phải có tiền nhiều để đi bệnh viện chữa trị.
“Khoảng thời gian đó khó khăn vô cùng, tôi thức trắng mấy đêm liền không biết làm cách nào để xoay ra số tiền đến mấy chục triệu”, anh kể. Vậy là Tự đánh liều “mượn tiền ông chủ tiệm sửa xe” để đóng viện phí. Có lẽ “món nợ đầu đời” quá lớn này khiến Tự hạ quyết tâm… “phải giàu, bằng mọi cách phải thoát khỏi cuộc sống nghèo tận cùng này”.
|
Chi phí "độ" xe tại garage Tự Thanh Đa thấp nhất là 10 triệu đồng, và cao hơn tùy theo lựa chọn của khách hàng |
Tự lao vào nghiên cứu, tìm tòi về các loại xe máy, ngoài việc sửa chữa, anh còn muốn “cải tạo một chiếc xe cũ thành mới”. Chẳng biết từ lúc nào, sự yêu thích và niềm đam mê với “độ” xe trong Tự lớn dần lên. Đến khi đã tích lũy được trong tay số vốn kha khá, Tự quyết định lên đường vào Nam lập nghiệp.
Những ngày đầu ở Sài Gòn, anh Tự thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm gần chân cầu Thanh Đa để mở tiệm sửa xe. “Hồi đó có cái biển ghi sửa xe, vá xe… vậy thôi. Sau, nhiều người nói đặt cái tên đi để dễ nhớ, cuối cùng tôi ghép tên mình với nơi đang ở thành Tự Thanh Đa luôn”.
Streetbike nay đã trở nên hầm hố hơn với phong cách Enduro |
Đầu đèn và yên xe được thay đổi để phù hợp hơn với phong cách mới của xe |
“Thời điểm đó (năm 2011 – PV) phong trào “độ” xe bắt đầu nổi lên ở Việt Nam. Tôi mới nghĩ mình nên tự nghiên cứu lại hướng đi của chính mình một cách nghiêm túc”, anh chia sẻ. Và Tự đã mất đến ba năm “không làm bất cứ công việc nào khác”, chỉ để tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho nghề sửa xe của mình. Cuối cùng anh chọn “độ” xe.
"Chiến hữu ruột" của anh Tự được "độ" với tông màu chủ đạo là vàng và đỏ |
Các chi tiết được mạ vàng tỉ mỉ |
“Đa số những chiếc xe nguyên bản do khách đem đến đều có tuổi đời khá lớn. Việc khó khăn nhất khi “độ” những chiếc xe này là tìm kiếm phụ tùng thích hợp”, Tự Thanh Đa cho biết.
|
Chiếc Hornet 250 mod cafe racer được "độ" bởi Tự Thanh Đa... |
|
Với mức giá chưa tới 30 triệu đồng |
Cũng nhờ những lần tìm kiếm thông tin và đặt mua phụ tùng xe tại nước ngoài thông qua mạng xã hội, Tự Thanh Đa đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về xe “độ”, tham khảo những mẫu xe và cách thức “độ” xe của nước ngoài.
Chỉ một năm sau khi bắt tay vào “độ” xe, Tự Thanh Đa cho ra đời hai mẫu xe “độ” là chiếc Honda CB750F 1981 phong cách Cafe Racer và chiếc Honda CB750F 1981 Street Tracker, đã gây được tiếng vang lớn trong giới chơi xe tại Sài Gòn và được Tạp chí Motorrad của Đức dành nhiều lời khen ngợi.
|
Năm 2015, garage của Tự Thanh Đa chuyển về địa chỉ mới trên đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) |
“Khi mà cộng đồng chơi xe trên thế giới biết đến mình nhiều hơn thì họ có những bài chia sẻ trên các diễn đàn dành riêng cho những người đam mê tốc độ. Rồi người này chỉ người kia, khách tìm tới với tôi nhiều hơn”, ông chủ 7X cho biết.
Anh cũng nói thêm, khó nhất khi “độ” một chiếc xe chính là hiểu được ý muốn của khách hàng. “Nghĩa là chiếc xe khi làm ra phải dành cho riêng mỗi người, xe vừa là bạn vừa là chiến hữu của mình. Không cần mẫu mã theo thời hay phải nhận được sự tán dương của xã hội. Chỉ cần chiếc xe mang đậm phong cách và dấu ấn cá nhân của mỗi người thì đó mới là “độ” thành công”, anh nói về "triết lý độ xe".
"Tôi độ xe cho khách trưng bày, chơi xe là chính. Bởi xe hiếm khi được cấp phép cho thay đổi kết cấu, hệ thống máy móc bên trong. Tuy nhiên, tôi tự tin khẳng định nếu có một cơ quan đăng kiểm thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật thì những chiếc xe độ của chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được”, Tự Thanh Đa cho biết. Vì sao 'xe độ' không thể chạy ngoài đường? Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường... Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. |
Theo Thanh Niên