Luật sư phản đối kết luận ông Trịnh Xuân Thanh "chối tội"

Thứ sáu, 12/01/2018, 11:34
"Kết luận như vậy là đi ngược nguyên tắc suy đoán vô tội", luật sư nói và cho hay ông Trịnh Xuân Thanh không buộc phải chứng minh mình vô tội.

Sáng 12/1, trong phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Văn Quynh bào chữa cho cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh đã phản đối kết luận của VKS cũng như cáo trạng khi quy kết thân chủ của mình "quanh co chối tội".

"Kết luận như vậy là đi ngược nguyên tắc suy đoán vô tội", luật sư nêu quan điểm và dẫn một số quy định về tố tụng hình sự cho rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh mình vô tội.

Dẫn điều 61, 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về "quyền im lặng", ông Quynh nói liên tưởng tưởng tới phiên tòa xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga diễn ra hồi giữa năm 2017. Tham gia phiên tòa này, ông nhận thấy bị cáo Nga đã sử dụng quyền im lặng suốt một thời gian dài rồi mới khai và theo ông đó là "cách tự bảo vệ" trong bối cảnh tất cả các lời khai khác chống lại mình.

Hai ngày trước, tại tòa ông Quynh đã hỏi điều tra viên về căn cứ cáo buộc ông Thanh khai báo không thành khẩn và được giải thích: "Với chứng cứ và lời khai hai ngày hôm nay của các bị cáo khác đã thể hiện tương đối rõ ràng hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện Trịnh Xuân Thanh không xác nhận những nội dung này".

Ông Trịnh Xuân Thanh tại TAND Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Luật sư: Mức án đề nghị tù chung thân là không công bằng

Bào chữa về tội Tham ô tài sản của bị cáo Thanh, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng các bị cáo đã thay đổi lời khai liên tục. Ban đầu, lái xe Toàn và Kế khai không nhớ gì hết về việc cựu phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh chuyển 4 tỷ đồng cho ông Thanh, nhưng sang năm 2017 "bỗng nhiên lại nhớ".

"Có thể có ai đó đã gợi ý gì đó để các nhân chứng nhớ lại", ông nêu nghi ngờ và thắc mắc vì sao cơ quan điều tra không truy xuất nhật ký cuộc gọi, tin nhắn của các bị cáo, nhân chứng ở thời điểm 4 tỷ đồng đưa được rút khỏi ngân hàng rồi chuyển cho qua trung gian giao nhận là tài xế của ông Minh, Thanh.

Luật sư Ngô Thị Thu Hằng cho rằng việc chuyển tiền không phải qua tài xế như lời khai của hai người này và một số bị cáo khác. Đưa ra bằng chứng là việc rút tiền bị tính phí ngoại tỉnh, luật sư Hằng nói tiền được rút ở Quảng Ngãi chứ không phải Hà Nội, theo lời trình bày của nhiều người trước đó. "Vì thế không đủ căn cứ kết luận ông Thanh tham ô tài sản", luật sư nói.

Cùng quan điểm bào chữa, luật sư Nguyễn Hồng Phúc cũng cho rằng ở tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, mức án tù chung thân, VKS đề nghị với ông Thanh là "chưa phù hợp và không công bằng".

Luật sư nói vai trò của ông Thanh mờ nhạt bởi "không chỉ đạo, không cần chỉ đạo cũng không có quyền chỉ đạo". Qua hồ sơ vụ án, ông Phúc nhận thấy không có văn bản, chứng cứ nào thể hiện việc chỉ đạo của ông Thanh khi ký hợp đồng 33 mà chỉ dựa trên lời khai của những người khác.

Tại bản luận tội hôm qua sau ba ngày thẩm vấn, cơ quan công tố đã đề nghị "trừng trị nghiêm khắc" với ông Thanh vì trong quá trình điều tra khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội, bỏ trốn. Ông Thanh bị đề nghị tù chung thân cho cả hai tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999).

Ông Thanh bị cáo buộc trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo ký Hợp đồng EPC số 33 để công ty này được nhận tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hơn một nghìn tỷ đồng sau đó bị PVC sử dụng không đúng mục đích, ngoài số đã thu hồi, cơ quan điều tra cáo buộc thiệt hại hơn 119 tỷ đồng. Ông Thanh còn đề ra chủ trương lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án này để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, ông được chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng một số bị cáo việc sử dụng chung 1,5 tỷ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích