Luật sư cho rằng ông Đinh La Thăng chỉ "thiếu trách nhiệm"

Thứ sáu, 12/01/2018, 10:41
Cáo trạng quy kết bị cáo Trịnh Xuân Thanh "quanh co, chối tội" là không phù hợp quy định về suy đoán vô tội; Bị cáo Đinh La Thăng chỉ có dấu hiệu Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng..., đó là quan điểm bào chữa các luật sư nêu tại phiên tòa xét xử vụ tham ô, cố ý làm trái... xảy ra tại PVC.

Quang cảnh phiên xét xử.

Hôm nay (12/1), tại TAND TP.Hà Nội, phiên tòa xét xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng. Mở đầu, luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí - PVC) nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đại diện VKSND xác định đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33 để xây dựng Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định gây thiệt gần 120 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Cũng theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh cũng đề ra chủ trương lập khống hợp đồng để rút 13 tỷ đồng tại Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.

Tranh luận quanh tình tiết Trịnh Xuân Thanh “quanh co, chối tội"

Luật sư Quynh nêu quan điểm, vấn đề trách nhiệm đối với Hợp đồng 33 là trách nhiệm là của Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), không phải của PVN, đề nghị đại diện VKSND lưu tâm. Luật sư cho rằng, như bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã trả lời, Cty có hợp đồng thì rất mừng, có lãi, nhân viên có việc làm. Đây là câu trả lời rất đúng, chân thật của người lãnh đạo khi có được dự án, có được việc làm cho người lao động.

“Với thời điểm PVC đang gần 10.000 lao động thì có hợp đồng xây lắp sẽ không có gì quý bằng” - luật sư Quynh nói. Luật sư dẫn báo cáo tài chính, tại thời điểm xảy ra vụ án, PVC làm ăn đều có lãi nên bản luận tội cho rằng, PVC không đủ năng lực, không có vốn là khiên cưỡng, đề nghị phía VKSND xem lại.

“Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp quản PVC thời điểm có hơn 500 tỷ, sau đó, trong thời gian ngắn đến 2010 đã tăng lên và 2011 thực hiện đề án tái cơ cấu thì PVN đã thu về 2.000 tỷ như bị cáo Thăng đã nói. Tôi một lần nữa nêu ra bằng chứng cho rằng việc PVC tại thời điểm đó không có năng lực là khiên cưỡng, rất mong HĐXX, VKS quan tâm, xem xét, đánh giá đúng, khách quan” - luật sư Quynh nói.

Cũng theo ông Quynh, các luật sư đã mời điều tra viên lên để hỏi vì bị cáo Thanh bị kết luận là “quanh co, chối tội”. Về việc này, luật sư Quynh nói: “Trong quá trình điều tra theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới thì đều có băng ghi âm, ghi hình. Bản luận tội hôm qua vẫn quy kết bị cáo Thanh không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội là không phù hợp với quy định tại Điều 73, Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về suy đoán vô tội. Theo các quy định về suy đoán vô tội trong Bộ Luật Tố tụng thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan có thẩm quyền, người bị buộc tội có quyền nhưng không được chứng minh mình vô tội”.

“Ngay vụ án Hoa Hậu Phương Nga mà tôi là người tham gia bào chữa thì bị cáo Phương Nga đã im lặng trong suốt quá trình, sau khi ra tòa, bị cáo mới khai là bị cáo tự bảo vệ mình khi tất cả các lời khai khác đều chống lại bị cáo. Nội dung bản luận tội vẫn cáo buộc bị cáo Thanh quanh co, chối tội là rất khiên cưỡng, không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội. Rất mong VKSND lưu tâm, xem xét lại, áp dụng những quy định có lợi nhất cho người phạm tội theo tinh thần Bộ Luật Tố tụng hình sự” - luật sư Quynh đề nghị.

Ông Đinh La Thăng chỉ “thiếu trách nhiệm”?

Trước đó, chiều 11/1, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN nêu quan điểm cho thân chủ của mình. Theo luật sư Thiệp, cáo trạng kết luận ông Thăng có vai trò chính trong việc ký hợp đồng EPC số 33 và cho PVC ứng tiền sai quy định, gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng cho PVN là chưa chính xác.

Ông Thiệp nói: “Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 978 ngày 11/6/2010 gửi PVN đồng ý về nguyên tắc chỉ định thầu, giao Hội đồng quản trị PVN quyết định chỉ định thầu theo pháp luật. Do đó PVN áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là đúng quy định pháp luật”.

Ông Thiệp nói thêm: “Về vấn đề năng lực tài chính và kỹ thuật bị cáo Thăng thừa nhận tại thời điểm này chỉ có Lilama là có đầy đủ năng lực ngoài ra không có công ty thứ hai. Tuy nhiên theo bị cáo khai, xuất phát từ chủ trương của Bộ chính trị phát triển Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trong 5 mũi nhọn tập trung phát triển có lĩnh vực khai thác dầu khí và xây lắp. Trên thực tế, PVC đã tham gia xây dựng nhà máy Nhơn Trạch 1 và 2, Cà Mau. Về năng lực tài chính năm 2010 lợi nhuận gần 1000 tỷ, bán cổ phần 1000 tỷ thu được 2000 tỷ. Đối với doanh nghiệp việc khó khăn tại một thời điểm, khó khăn về dòng tiền là chuyện bình thường”.

Cũng theo luật sư Thiệp, việc ký hợp đồng EPC số 33 là do Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký với PVC, không cần thông qua HĐTV của PVN. “Ông Đinh La Thăng chỉ thừa nhận do áp lực hoàn thành nhà máy đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo cấp dưới phải thực hiện đúng tiến độ, không trực tiếp chỉ đạo phải ký hợp đồng 33” – ông Thiệp nói.

Về việc tạm ứng 1.312 tỷ đồng trái quy định cho PVC, luật sư Thiệp cho rằng các bị cáo khác không có lời khai nào thể hiện ông Thăng chỉ định ứng tiền cho PVC; ông Thăng chỉ yêu cầu có đủ thủ tục để chuyển tiền, không yêu cầu chuyển tiền khi đủ thủ tục.

Luật sư Thiệp tiếp tục phân tích: “Theo Bản kết luận giám định ngày 5/12/2017 của giám định viên tài chính, xác định: “Trước và sau ngày 9/9/2011, ngày 6/3/2012 PVN và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 vẫn chưa có văn bản chính thức thu hồi tiền tạm ứng sử dụng không đúng mục đích theo quy định tại Khoản 6 Điều 17 Nghị định 48 của Chính phủ””.

“Như vậy, theo kết luận của Giám định viên thiệt hại này do không có văn bản thu hồi trên. Thời điểm trên, ông Đinh La Thăng đã không còn ở PVN nữa nên nếu có làm trái Khoản 6, Điều 17 Nghị định 48 thì cũng không thuộc trách nhiệm của Đinh La Thăng. Việc kết luận Đinh La Thăng chịu trách nhiệm hình sự và cả dân sự đối với khoản hơn 68 tỷ này là không hợp lý” – luật sư Thiệp nói.

Đáng chú ý, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, hành vi phạm tội của ông Đinh La Thăng, nếu có, thì có dấu hiệu phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” không phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích