Ông Trần Bắc Hà chữa bệnh ở Singapore: Đối chất thế nào?

Thứ tư, 17/01/2018, 11:08
Nếu người được xét hỏi vắng mặt và HĐXX cảm thấy cần thiết sẽ công khai biên bản đối chất đã thực hiện tại giai đoạn điều tra.

Ông Trần Bắc Hà được TAND TP.HCM triệu tập đến phiên tòa xét xử đại án VNCB với hai tư cách: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Tuy nhiên, ông Hà không thể đến tòa theo triệu tập mà cho người nộp hồ sơ bệnh án bị ung thư và đang được điều trị tại Singapore.

Do ông Trần Bắc Hà không thể đến tòa như triệu tập của TAND TP.HCM nên VKS sẽ công bố lời khai của ông Hà tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Có trường hợp ngoại lệ

Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Đặng Văn Cường (VP Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án.

Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó, nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải.

Tuy nhiên việc xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tố tụng bằng biện pháp dẫn giải chỉ áp dụng đối với người đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.

Ông Trần Bắc Hà

''Đối với trường hợp của ông Trần Bắc Hà, theo thông tin báo chí đưa tin thì ông Hà có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên xét xử với lý do xuất cảnh sang Singapore để chữa bệnh (có hồ sơ bệnh án).

Đây có thể được xem là trở ngại khách quan/lý do bất khả kháng và việc vắng mặt của ông Hà cũng không cản trở hoạt động tố tụng bởi trước đó ông Hà đã khai báo nội dung liên quan đến vụ án tại cơ quan điều tra.

Do đó trước khi mở phiên tòa, thẩm phán chủ tọa sẽ giải quyết đề nghị của người tham gia tố tụng về việc vắng mặt tại phiên tòa.

Trường hợp ông Hà đã có đơn xin xét xử vắng mặt và trong nội dung đơn ông Hà cho biết xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra thì đại diện viện kiểm sát  có thể công bố lời khai của ông Hà tại cơ quan điều tra. Điều này là phù hợp với quy định pháp luật.

Song, trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì HĐXX không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án'', Luật sư Cường phân tích.

Bất lợi

Vị Luật sư nhấn mạnh, việc có mặt của người tham gia tố tụng trong một số trường hợp là cần thiết để làm rõ những tình tiết của vụ án, sẽ ảnh hưởng tới sự thật khách quan của vụ án.

Đối với trường hợp của ông Hà, ông Hà đã có lời khai đối với các nội dung liên quan tới vụ án tại cơ quan điều tra, Hội đồng xét xử có thể căn cứ vào quy định pháp luật để công bố các lời khai của ông Hà tại phiên tòa nếu cần thiết.

Trường hợp nếu xét thấy việc vắng mặt của ông Hà sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, tòa có quyền hoãn phiên tòa để chờ ông Hà bình phục.

Việc ông Hà vắng mặt tại phiên tòa có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Bởi qua việc xét xử tại phiên tòa, qua việc công bố các lời khai của ông Hà mà có tình tiết bất lợi mà HĐXX phát hiện thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì HĐXX có quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định.

Một số ý kiến nghi ngại rằng, việc ông Trần Bắc Hà vắng mặt có thể ảnh hưởng đến quá trình xét xử trong trường hợp cần đối chất.

Về vấn đề này, Luật sư Cường cho biết, trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất.

Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.

Việc đối chất được lập biên bản theo quy định hoặc có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất.

Như vậy việc đối chất nếu cần thiết thì phải tiến hành tại giai đoạn điều tra vụ án, do Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành.

Tại phiên tòa xét xử, nếu người được xét hỏi vắng mặt thì HĐXX sẽ căn cứ vào quy định pháp luật và nếu cần thiết thì công khai biên bản đối chất đã thực hiện tại giai đoạn điều tra.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích