Để giải quyết tình trạng ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM từ cuối năm 2016 đã trình kế hoạch làm 14 dự án (nằm trong quy hoạch) và 8 dự án đang được nghiên cứu, đề xuất. Tuy nhiên, hiện chỉ có ba dự án cầu vượt được hoàn thành, số còn lại hoặc dang dở hoặc chưa biết khi nào mới khởi công.
Ba cầu vượt cơ bản hoàn thành
Được khởi công đầu năm 2017, hai cầu vượt (một ở đường Trường Sơn trước cổng sân bay, cầu còn lại ở ngã năm Nguyễn Thái Sơn - cách sân bay 2,5km) thực hiện theo lệnh cấp bách của Thủ tướng với tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng.
Trong đó, cầu vượt tại nút giao Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình) được đưa vào sử dụng từ ngày 3/7/2017. Còn cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) cũng đã hoàn thành hai nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm. Riêng nhánh còn lại (Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn) dự kiến hoàn thành năm nay.
Ngoài ra, cầu vượt thép tại nút giao Ngã 6 Gò Vấp (cách sân bay khoảng 4km) cũng đã hoàn thành hai nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh và Nguyễn Oanh - Phạm Ngũ Lão hồi cuối năm ngoái. Nhánh còn lại sẽ xong trong vài tháng tới.
Hai cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất không thể giảm kẹt xe. |
Bốn dự án dang dở
Công trình mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu) có tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng. Mặt đường Hoàng Minh Giám được mở rộng lên 30 m, nhằm kết nối đồng bộ với dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm.
Dự án đã được Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 khởi công từ tháng 10/2017. Hiện UBND quận Phú Nhuận tiếp tục bồi thường giải phóng mặt bằng.
Công trình mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa có tổng vốn gần 255 tỷ đồng. UBND quận Tân Bình đang bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, UBND quận Tân Bình đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Còn hầm chui tại nút giao thông An Sương, quận 12 - huyện Hóc Môn đã khởi công từ đầu năm ngoái.
Tất cả 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay.
Bảy công trình chưa xác định thời điểm khởi công
Hai dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ) và mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) đã được Sở GTVT thông qua ranh bồi thường giải phóng mặt bằng. Quận Tân Bình và Tân Phú đang triển khai bồi thường.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi ngang sân bay có tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Chính quyền các địa phương liên quan đang bồi thường giải phóng mặt bằng, còn chủ đầu tư đang phối hợp nhà tài trợ hoàn thiện Hồ sơ mời thầu các gói xây lắp.
"Siêu dự án" này dự kiến khởi công trong năm nay nhưng gặp một số khó khăn vướng mắc nên UBND TP.HCM kiến nghị Trung ương cho lùi thời gian thực hiện đến năm 2020, trễ 7 năm so với kế hoạch ban đầu.
Đối với dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4,3km (song hành đường Cộng Hòa) với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, hiện Bộ GTVT đã thống nhất với phương án tuyến, quy mô đầu tư và diện tích ảnh hưởng đất quốc phòng, còn Bộ Quốc phòng đang xem xét (6,6ha đất quốc phòng cần thu hồi).
Tuy nhiên, tháng 8/2017 Chính phủ đồng ý thuê tư vấn quốc tế nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng đất cho ngành hàng không, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (cả về phía Bắc và phía Nam, không bị giới hạn về Quy hoạch sử dụng đất) nhằm nâng cao công suất khai thác. Việc này khiến dự án phải dừng lại, chờ kết quả của tư vấn quốc tế.
Bộ Quốc phòng sẽ có ý kiến chính thức về quy mô và hướng tuyến của dự án trong quá trình xem xét Đồ án Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc sau khi đồ án được Chính phủ thống nhất.
Dự án mở rộng đường Tân Sơn (đường độc đạo vào sân bay) dự kiến được bổ sung vào dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch với quy mô dài 650m, rộng 20m (hiện trạng rộng 12m). Sở GTVT đang thực hiện việc điều chỉnh này.
Tuyến Metro 4b-1 (tuyến nhánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, tổng mức đầu tư 250 triệu USD) và tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn, tổng vốn đầu tư 2,6 tỷ USD) hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và lập thủ tục trình thông qua chủ trương đầu tư.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng chỉ có thể kéo giảm chứ khó xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất. |
Kỳ vọng đặt vào tuyến đường băng qua đất quốc phòng
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, khi đưa vào sử dụng hai cầu vượt trước sân bay, ùn tắc đỡ hơn nhưng chưa thể giải quyết triệt để tình trạng kẹt xe ở đây.
Nguyên nhân được cho là, thành phố phải đồng bộ đầu tư các công trình giao thông kết nối quanh sân bay mới đáp ứng được sản lượng hành khách theo quy hoạch được duyệt đến năm 2020 (đạt 25 triệu hành khách). Tuy nhiên, lượng hành khách qua sân bay hiện quá đông, đạt 36 triệu người tính đến cuối năm 2017, trong khi các dự án mở đường mới, cải tạo đường cũ vẫn chưa triển khai được.
"Riêng tuyến tàu điện ngầm đi qua sân bay phải hoàn thành vào năm 2020 nhưng dự án chỉ đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng. Vì vậy, để xử lý triệt để tình trạng ùn tắc ở Tân Sơn Nhất trên lý thuyết là đã không thể, mà chỉ có thể kéo giảm", ông Cường nói.
"Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều khả năng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục nóng. Sở Giao thông cùng Công an thành phố đã lên kế hoạch phối hợp để xử lý tình trạng này", ông Cường cho biết thêm.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT, trong tổng số 14 dự án trên chỉ có các tuyến metro đi vào và ngang qua sân bay mới có thể giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc cho Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, phải còn rất lâu các tuyến đường sắt đô thị số 2, 4b-1 và số 5 mới hoàn thành.
"Trước mắt, dự án được kỳ vọng nhất là mở đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa băng qua đất quân đội, song hành với đường Cộng Hòa. Tuyến đường mới này sẽ tạo thêm một hướng thoát cho các phương tiện từ đường Trường Sơn đến nút giao Lăng Cha Cả rất nhiều", ông Cường nhận định.
Theo VNE