|
Cuộc hành hương về quê của hơn 245 triệu dân làm thuê tại Trung Quốc chính thức bắt đầu, trước thời điểm Tết Nguyên đán chỉ chưa đầy 2 tuần nữa. Ngoài những người có điều kiện đi ôtô về nhà, số còn lại nghèo hơn nên chọn các biện pháp giá rẻ như tàu hỏa, xe khách hoặc thậm chí là xe máy.
|
Theo thống kê năm 2014, số lượng người về quê bằng xe máy tại Trung Quốc chỉ vỏn vẹn 600.000 người. Lúc đó, họ thường xuyên phải mang vác hàng hóa cồng kềnh và chở theo ít nhất một người.
|
Năm nay 2018, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Số lượng người đi xe máy về quê ăn Tết tại Trung Quốc, theo đánh giá của số liệu do nhà nước Bắc Kinh cung cấp, đã lên tới 3 triệu người. Đặc biệt, họ không mang theo hành lý cồng kềnh như mọi lần mà chỉ thong dong như đi dạo.
|
Riêng tại Quảng Tây, chính quyền ước tính có tới 300.000 người đi xe máy về quê ăn Tết. Năm 2018, cảnh sát Trung Quốc xây dựng kế hoạch mang tên “Đường về nhà ấm áp”, trong đó có sự tham gia của các đơn vị giao thông nhằm giúp con đường về nhà an toàn và đơn giản hơn.
|
Cảnh sát Trung Quốc xây dựng các trạm dừng trên đường và hỗ trợ những lái xe gặp sự cố dọc đường về quê. Ngoài ra, họ áp dụng công nghệ giúp lái xe tìm ra đường về ngắn nhất, đồng thời chỉ rõ tuyến đường nào phù hợp và tránh ách tắc. Nhiều lái xe cũng tự tìm bạn đồng hành trên cung đường có thể dài tới cả ngàn cây số bằng cách lập các nhóm trên mạng xã hội và kêu gọi nhau về quê.
|
Mạc Nhân Sảng, một công nhân nhà máy giầy, nói: “Tôi rất háo hức được về quê càng sớm càng tốt. Tôi sẽ phải vượt hơn 700km để tới nhà”. Sảng sẽ đi từ thủ phủ giàu có Quảng Đông tới quê nhà Quảng Tây. Sảng cho biết hơn nửa năm nay anh chưa gặp 2 con. Trên xe của Sảng chở theo một chiếc xe đồ chơi cỡ nhỏ, vài đôi bốt trẻ em và một vali.
|
Lục Lượng Quân, 50 tuổi, trả lời phóng viên SCMP khi dừng chân ở một trạm nghỉ ven đường: “Không có xe bus về tới làng của tôi. Đi xe máy tiện hơn vì tôi có thể dùng nó khi về tới nhà”. Trung Quốc hiện nay là thị trường sản xuất và tiêu thụ xe máy lớn nhất thế giới. Số liệu năm 2016 cho thấy gần 30 triệu chiếc xe được bán ra.
|
Hoàng Tự Lâm, 40 tuổi, giải thích lý do đi xe máy: “Đi bằng phương tiện này nhanh hơn xe bus hoặc tàu hỏa. Mua vé tàu cực nhọc lắm”. Lâm đi về nhà và chở theo vợ mình phía sau. “Tôi đi lúc 4 giờ sáng, đến lúc này thì chân tê không còn cảm giác”.
|
Truyền thông Trung Quốc từng gọi những người tham gia cuộc “trường chinh” này là “đạo quân”. Họ thường mặc áo mưa, phủ kín hành lý bằng vải bạt và buộc giầy bằng túi nilon để tránh bẩn.
|
Từ Linh Tượng, 21 tuổi, chỉ vào người và nói; “Tôi thấy rất tuyệt vì vẫn còn khỏe. Nhưng chặng đường vẫn còn quá xa khi đi từ Quảng Châu tới Quảng Tây. Tôi đã đi 4 ngày rồi mà vẫn chưa tới nơi”. Đêm trước đó, Từ ngủ lại tại một trạm gác bỏ hoang.
Dự kiến sẽ có hơn 3 tỉ lượt người Trung Quốc hành hương về quê trong cuộc di dân lớn nhất lịch sử loài người.
Theo Dân Việt