Rắc rối theo Thủ tướng Anh sang Trung Quốc

Thứ sáu, 02/02/2018, 13:12
Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh quan hệ thương mại song phương ngày càng phát triển và ca ngợi Trung Quốc như một “đất nước có tầm nhìn ra bên ngoài”. Tuy nhiên, Brexit và số phận chính trị của bà May được cho là yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của chuyến thăm này.


Hôm qua, bà May và ông Tập có cuộc gặp tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, vào ngày thứ hai trong chuyến thăm song phương đầu tiên của bà May đến Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề đối ngoại, an ninh, thương mại và văn hóa.

Thủ tướng Anh bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách ca ngợi “kỷ nguyên vàng trong quan hệ Anh - Trung” - cụm từ được sử dụng lần đầu tiên bởi cựu Thủ tướng David Cameron trong chuyến thăm của ông Tập đến Anh năm 2015.

Trong khi các lãnh đạo Trung Quốc khó có khả năng thể hiện sự thất vọng ra mặt nào đối với Brexit, việc Anh rút khỏi EU được giới chuyên gia đánh giá là sẽ hạn chế sự thành công của chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà May.

“Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Anh kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit và đối với cả hai bên thì mục đích cao nhất của chuyến thăm là tái khẳng định vị trí của quan hệ Trung - Anh trong ‘kỷ nguyên vàng’”, ông Cui Hongjian, giám đốc Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói.

“Quan hệ thương mại Trung - Anh đã cảm nhận được một số ảnh hưởng từ Brexit. Chúng ta sẽ thấy rõ lần này hai bên có thể trao đổi tốt hơn với nhau để giải quyết vấn đề hay không”, ông Cui nói.

Số phận chính trị của bà May cũng tác động đến chuyến thăm. Trong điểm đến đầu tiên của bà ở Trung Quốc là Vũ Hán, một thành phố công nghiệp nằm bên sông Dương Tử, bà vấp phải nhiều câu hỏi của phóng viên về những lời kêu gọi từ chức từ chính trong đảng Bảo thủ của bà.

Tôi không phải người bỏ cuộc và có một công việc lâu dài cần làm”, Reuters dẫn lời bà May. “Công việc đó là đạt được thỏa thuận Brexit, là bảo đảm rằng chúng tôi có thể kiểm soát lại đồng tiền, luật pháp và biên giới của mình, và chúng tôi có thể ký các thỏa thuận thương mại với phần còn lại của thế giới”, bà nói.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, có thể trở thành một nguồn khách hàng và đầu tư quan trọng hơn đối với Anh khi kế hoạch rời khỏi EU vào tháng 3/2019 vẫn đang lờ mờ. Sau cuộc gặp với các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh, bà May sẽ thăm Thượng Hải để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.

Trong cuộc gặp báo chí với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, bà May nói rằng bà đã có được sự đồng ý của Trung Quốc về việc tiến hành các biện pháp nhằm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh được áp dụng từ cuộc khủng hoảng bệnh bò điên trong những năm 1990. Nhưng Trung Quốc cũng dựng lên những chính sách và biện pháp để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của họ trước đối thủ nước ngoài.

Từ khi lên nắm quyền năm 2016, bà May có cách tiếp cận có vẻ cứng rắn hơn những người tiền nhiệm khi trì hoãn quyết định xây dựng một nhà máy điện hạt nhân bằng vốn đầu tư Trung Quốc suốt nhiều tháng. Nhưng chính phủ của bà cuối cùng đã chấp thuận dự án, với hứa hẹn rằng sẽ bảo vệ an ninh của dự án hạ tầng quan trọng này.

Theo giới quan sát, Trung Quốc quan tâm đến đầu tư vào một số ngành ở Anh như hạ tầng, công nghệ và dịch vụ tài chính, và sẽ không bị tác động  nhiều từ việc Anh rời khỏi EU. Còn trong những ngành khác, sự sẵn sàng của các công ty Trung Quốc sẽ phụ thuộc lớn vào những điều khoản “ly dị” của Anh với EU, báo Guardian dẫn nhận định của ông Paul C. Irwin Crookes, một giảng viên cấp cao tại ĐH Oxford đang nghiên cứu tác động của Brexit.

Về lý thuyết, sau khi rời khỏi EU, Anh có thể thiết kế quan hệ với Trung Quốc theo hướng tách khỏi mô hình quan hệ EU - Trung Quốc hiện nay. Nhưng trên thực tế, EU có thể yêu cầu Anh tránh những chính sách có thể ảnh hưởng đến các vị trí thương mại của khối, ông Crookes nói.

“Khi đó sẽ là vấn đề của chính trị cấp cao, và vẫn chưa rõ sẽ đi theo hướng nào”, ông Crookes nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn