Nhà nghiên cứu, sưu tập Nguyễn Thu Hòa: Còn chưa giải thích được mọi hiện tượng tâm linh, còn nhu cầu đốt vàng mã

Thứ sáu, 23/02/2018, 14:59
Theo nhà nghiên cứu, sưu tập Nguyễn Thu Hòa, không phải vì nhiều người không đốt vàng mã, mà sẽ hết hẳn nhu cầu đốt vàng mã này.

Việc đốt vàng mã tăng nhiều vào dịp lễ, Tết

Đã có cuộc tranh luận về việc làng tranh Đông Hồ giờ chủ yếu chỉ làm vàng mã. Có người cho rằng chính việc tập trung phát triển vàng mã đã giết chết tranh Đông Hồ. Là người sưu tập tranh Đông Hồ, bà nghĩ sao?

Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sưu tập tranh Đông Hồ Nguyễn Thu Hòa: Không. Đấy là một câu chuyện khác. Tại làng Đông Hồ không chỉ có tranh Đông Hồ. Lễ hội của đình làng chỉ toàn mã là mã. Thậm chí, mỗi dòng họ lại có một loại mã riêng của mình. Có dòng họ chỉ toàn làm cây vàng cây bạc. Có dòng họ chỉ làm mũ. Trước đây làng còn có hội thi mã. Hội đình Đông Hồ chỉ là thi mã với nhau.

Theo tôi, mã còn có trước cả tranh vì việc tâm linh bao giờ cũng có trước. Trong tranh Đông Hồ, còn có một dòng tranh trổ giấy với kỹ thuật như vàng mã luôn, từng lớp trang kim lại xếp vào với nhau nhiều lớp để tạo chiều sâu cho tranh.

Điều này cũng giống như ở phố Hàng Trống. Tranh Hàng Trống được buôn bán ở phố Hàng Trống, nhưng phố này đầu tiên chính là một phố bán trống.

Bà nghĩ thế nào nếu giờ đây có một yêu cầu không đốt vàng mã tại nhiều nơi?
Đã từng có việc cấm đốt vàng mã trong quá khứ. Người ta đã dùng đồ thay thế vì vẫn có nhu cầu tâm linh. Một nghệ nhân trong làng Đông Hồ đã kể với tôi, khi ấy, để tránh cồng kềnh dễ bị phát hiện, người ta làm con ngựa giấy. Có nghĩa là thay vì bó hom tre, phất giấy thì họ làm thành con ngựa in trên giấy. Như thế, con ngựa bé lại rất nhiều, và chỉ là hình vẽ thôi. Như thế để cho đơn giản và cũng dễ giấu.
Còn bỏ vàng mã hay không rất nhạy cảm. Hãy thử đặt vào một người có người thân mất. Khi còn trẻ, mình chưa có điều kiện phụng dưỡng người thân ấy thì họ đã mất rồi, có thể là ông bà. Khi người ta mất rồi, 5 - 10 năm sau, mình cứ suy nghĩ về việc chưa bù đắp được cho họ. Thế thì chỉ còn cách mua vàng mã để bù đắp. Người ta mất tiền để mua vàng mã, nhưng lại được cái yên bình trong tâm hồn, không bị day dứt.
Không thể so sánh giá trị tinh thần khi đốt vàng mã, người ta mang lại giá trị thoải mái với tiền. Cứ thấy tốn kém là kêu. Với người Kinh là vàng mã, có dân tộc khác thì lại có thể là nặn bột hay là cây chuối, hay bù nhìn rơm để đốt. Một số nơi không có thói quen đốt mã thì lại nặn bột, gắn lên bè chuối để thả.
Tôi nghĩ cái này quá riêng tư cá nhân. Nếu ai thấy thích không đốt thì cũng tùy. Đó là quan điểm riêng của người ấy, áp dụng cho nhà ấy, chứ đừng áp dụng cho người khác.
Nhưng có quá nhiều vụ cháy do vàng mã, trong đó, ngay đầu năm nay đã có cháy rừng. Bà nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ nó giống như ra đường thì phải chấp nhận sẽ có nguy cơ tai nạn giao thông. Vấn đề là phải tự liệu để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy. Chẳng hạn, bằng cách đốt có giới hạn, và có chỗ đốt quy định. Với chuyện đốt vàng mã, khó mà cấm được.
Bà có nghĩ là rất đông người, chẳng hạn các Phật tử, không đốt mã nữa, thì mọi chuyện sẽ thay đổi hẳn. Người ta sẽ không đốt mã nữa?
Có những chuyện đa số không thể lấn át được thiểu số. Nhu cầu tâm linh vẫn là nhu cầu lớn. Tôi nghĩ đốt vàng mã sẽ không bao giờ mất, cho đến khi khoa học giải mã được hoàn toàn những gì con người muốn biết được về mặt tâm linh. Bây giờ cái gì khoa học không giải thích được người ta lại gọi nó là tâm linh. Nhưng tôi nghĩ chả bao giờ giải thích được hết.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích