Nồi hầm Đông Ghouta: Nga-Syria tung đòn cực hiểm vào sườn Israel

Thứ năm, 01/03/2018, 17:08
Israel lo ngại rằng, những đòn đánh hiểm của Nga ở ‘nồi hầm’ Đông Ghouta sẽ khiến làn sóng người tỵ nạn đổ sang biên giới Israel ở cao nguyên Golan.

Hành lang nhân đạo của Nga ở Đông Ghouta

Cam kết của Nga hôm 27 tháng 2, nhằm thiết lập một lộ trình di tản cho thường dân qua ‘hành lang nhân đạo’ để rời khỏi khu vực chiến sự ở Đông Ghouta - phụ cận thủ đô Damascus - vùng đất được ví như một ‘nồi hầm’ mới, đã khiến cho hàng trăm người thiệt mạng trong năm qua, đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng của chính quyền Israel.

Lời hứa này đi cùng với thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu rằng, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh "ngừng bắn nhân đạo" đối với các nhóm phiến quân đối lập, trừ 2 tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo - IS và al-Qaeda Syria - tức Hay’at Tahrir al-Sham - HTS.

Con đường sơ tán thường dân của Nga ban đầu sẽ phục vụ cho việc cung cấp lương thực khẩn cấp và hỗ trợ y tế cho 400.000 cư dân Đông Ghouta, những người đã bị những băng nhóm khủng bố ép làm con tin trong nhiều tuần, sau khi Quân chính phủ Syria cùng vứi các đồng minh Iran và Hezbollah bắt đầu mở chiến dịch công phá ‘nồi hầm’ này.

Giới truyền thông Israel nhận định rằng, sáng kiến ​​ngừng bắn của Nga đã được thúc đẩy bởi nguyên nhân chính là mối quan tâm nhân đạo. Tuy nhiên, việc sơ tán thường dân và trục xuất các nhóm khủng bố cũng sẽ phục vụ cho những lợi ích lớn cho chính quyền Syria, giúp ông Assad có thể tống khứ một nhóm lớn các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni ra xa khỏi khu vực Damascus, lại còn gây rất nhiều rắc rối cho đối thủ lớn Israel.

Nó được dựa trên khởi đầu tốt đẹp trong các cuộc đàm phán ngừng bắn mà chế độ Assad đã bí mật phát động với hai nhóm phiến loạn chính chiến đấu ở Đông Ghouta. Họ là nhóm phiến quân đối lập Faylaq al-Rahman, liên kết với tổ chức ‘Aanh em Hồi giáo’ Syria và Jaish al-Islam - một nhóm các phần tử cực đoan Hồi giáo người Sunni.

Cả hai nhóm này đã cam kết trục xuất khỏi khu vực các tay súng của liên minh khủng bố-đối lập Hay’at Tahrir al-Sham, mà hầu hết các thành viên của nó có liên kết với al-Qaeda Syria, tức nhóm khủng bố Jabhat Fatah al-Sham, trước đây là Jabhat al-Nusra (tức Mặt trận al-Nusra).

Tuy nhiên, lợi ích cho Nga và chính quyền Damascus cũng đồng nghĩa với việc Israel sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn bất thường, bởi thay vì cho phép những người tị nạn đến các trung tâm đông dân số như Homs hoặc Hama, giống như ở tỉnh Idlib trước đây, thường dân Syria ở Đông Ghouta sẽ chỉ được phép thoát ra qua một con đường là hướng về phía Nam, tới tỉnh Quneitra giáp với các khu vực Israel đang kiểm soát trái phép trên cao nguyên Golan.

Thỏa thuận ngừng bắn Nga và Syria mới thiết lập ở 'nồi hầm' Đông Ghouta sẽ mang lại nguy cơ lớn đối với Israel

Hành lang nhân đạo Đông Ghouta - mối nguy lớn đối với Israel

Chính quyền Israel ước tính rằng, sẽ có khoảng từ 50.000 đến 250.000 người ở khu vực bao quanh gần Damascus có thể đi qua hành lang nhân đạo này để tới tỉnh Quneitra, đối diện với phần lãnh thổ Israel đang chiếm giữ của Syria trên cao nguyên Golan. Việc hàng trăm nghìn người xuất hiện ồ ạt ở biên giới sẽ đem đến những nguy cơ không thể lường trước được đối với chính quyền Tel Asvip.

Các nhà chức trách Israel lo ngại về hai vấn đề:

Thứ nhất là: Trong trường hợp không có những cơ sở nhân đạo do Syria lập ra, Israel sẽ phải đối mặt với trách nhiệm bất ngờ trong việc cung cấp các nhu cầu căn bản về lương thực, nước, dược phẩm và nơi ở cho những người tị nạn tràn qua biên giới Golan sang Israel.

Thứ hai là: Vấn đề nghiêm trọng nhất là các thế lực thù địch sẽ khai thác cơ hội của cuộc di cư hàng loạt này để che dấu sự xâm nhập của các mạng lưới khủng bố sang vùng lãnh thổ phía Bắc Israel. Đây cũng chính là điều khiến chính quyền Tel Avip lo lắng nhất, bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan đã, đang và sẽ phải khốn khổ với những mối đe dọa này đối với an ninh của quốc gia của mình.

Rõ ràng là chính quyền Tel Avip nhìn thấy hậu quả trực tiếp từ thỏa thuận ngừng bắn ở ‘nồi hầm’ Đông Ghouta do Moscow đưa ra, đó là việc mở ra một mối nguy hiểm mới trên biên giới phía Bắc của Israel.

Hiện nay, chính quyền Tel Avip đang vô cùng lo lắng về những điểm nóng an ninh trên tất cả các vùng biên giới của đất nước, từ rocket ở dải Gaza với Palestine đến lực lượng Hezbollah trên biên giới với Lebanon và giờ đây là cao nguyên Golan ở các tỉnh Quneitra, Daraa với Syria.

Hiện nay, bên cạnh việc chuẩn bị đối phó với làn sóng người tỵ nạn, chính quyền Israel còn đang phải nỗ lực tăng cường vũ khí trang bị để đối phó với những vụ tấn công tiềm tàng của những phần tử khủng bố trà trộn trong hàng trăm ngàn người tỵ nạn áp sát biên giới nước mình.

Rõ ràng là cú đánh của Moscow không chỉ đem lại lợi thế về chính trị và ngoại giao trước cộng đồng quốc tế, mang lại ưu thế quân sự cho Nga và Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, mà nó còn là cú đánh hiểm vào mạng sườn của Israel, khiến nước này khó tập trung đối phó với nguy cơ ở biên giới phía Bắc, khó mà rảnh tay thực hiện thêm các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn