“Sau khi mẹ tôi qua đời (cụ Hoàng Thị Minh Hồ), 4 người em đã cử tôi làm đại diện đặt vấn đề để lại nhà 34 Hoàng Diệu cho thành phố Hà Nội”, nhà giáo Trịnh Lương nói.
Nhà giáo Trịnh Lương cho biết, căn nhà 34 Hoàng Diệu tư nhân không nên ở, vị trí này chỉ phù hợp với công trình kiến trúc của nhà nước. Vì vậy, 5 trong số 7 người con cụ Trịnh Văn Bô muốn nhượng lại căn biệt thự này cho thành phố Hà Nội.
Căn biệt thự rộng 3.000m2 ở 34 Hoàng Diệu |
“Tôi muốn bán nhà 34 Hoàng Diệu, một phần số tiền thu được để làm quỹ từ thiện Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ; phần còn lại sẽ chia cho con cháu”, con trai cả của nhà tư sản Trịnh Văn Bô chia sẻ.
Nhà giáo Trịnh Lương cũng cho biết, kế hoạch trên mới được sự đồng thuận của 5 trong số 7 người con của cụ Trịnh Văn Bô. Ông Trịnh Cần Chính - con trai út của cụ Trịnh Văn Bô cho biết, không ai thông báo cho mình các cuộc họp bàn về nội dung bán nhà.
“Nhà này liên quan đến vấn đề thừa kế, do vậy có quy định của nhà nước về thừa kế chứ không phải ai thích làm gì là làm được”, ông Chính nói.
Ông Trịnh Lương cho biết, mình đã đại diện cho 5 anh em trao đổi kế hoạch trên với lãnh đạo TP.Hà Nội. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã được thành phố giao nhiệm vụ xem xét những vấn đề liên quan đến căn biệt thự 34 Hoàng Diệu.
Theo vị lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện có đủ căn cứ pháp lý để tiếp nhận nhà 34 Hoàng Diệu. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận thế nào cần phải bàn bạc kỹ giữa các ban ngành của TP.Hà Nội.
Trong Tuần lễ Vàng năm 1945, nhà tư sản Trịnh Văn Bô ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam hơn 5.000 lượng vàng. Sau này, gia đình cụ Trịnh Văn Bô còn hiến căn nhà 48 Hàng Ngang (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập) làm di tích cách mạng.
Vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô là cụ Hoàng Thị Minh Hồ mới qua đời ngày 5/11/2017, tại chính biệt thự 34 Hoàng Diệu.
Theo Dân Trí