|
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 5 tới. |
Ngày 8.3, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp ông Kim Jong-un vào tháng 5 tới, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chuyển lời mời gặp mặt. Các nghị sĩ Mỹ và giới chuyên gia đã đưa ra những phản ứng tức thì.
Ông Robert Gallucci, trưởng đoàn đàm phán Mỹ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên 1994
"Đây là một diễn tiến bất ngờ và đáng hoan nghênh. Nếu đại diện của cả hai chính phủ có thể gặp nhau, và một cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức, nó sẽ đại diện cho tiến bộ đáng kể trong việc giảm căng thẳng và nguy cơ chiến tranh".
"Nếu các cuộc đàm phán thực sự dẫn đến thỏa thuận chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên và chấm dứt phát triển thêm tên lửa đạn đạo tầm xa, thì nguồn gốc căng thẳng và thù địch giữa Triều Tiên - Mỹ và phần còn lại của thế giới cũng sẽ bị loại bỏ".
Ông Takashi Kawakami, Chủ tịch Viện Nghiên cứu thế giới Takushoku, Đại học Tokyo
"Tôi nghĩ Mỹ nên chờ xem các cuộc đàm phán Hàn-Triều vào tháng 4 có kết quả như thế nào rồi hãy đưa ra quyết định cuối cùng có gặp Triều Tiên hay không. Tôi thấy có 3 kịch bản.
Thứ nhất, Triều Tiên đồng ý giải trừ hạt nhân. Thứ hai, Triều Tiên đồng ý đóng băng hạt nhân với Mỹ. Thứ ba, Bình Nhưỡng rút lời và tiếp tục phóng tên lửa.
Trong 3 kịch bản này, tôi nghĩ phương án thứ hai có nhiều khả năng nhất. Nếu tình huống này xảy ra, Nhật Bản sẽ tìm kiếm gia tăng răn đe hạt nhân của Mỹ, kể cả chia sẻ hạt nhân".
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham
"Sau một số cuộc thảo luận với Tổng thống Donald Trump, tôi tin chắc rằng lập trường kiên quyết của ông ấy về Triều Tiên cho chúng ta hy vọng lớn nhất trong nhiều thập kỷ để giải quyết mối đe dọa này một cách hòa bình. Tôi không ngây thơ. Tôi hiểu rằng nếu quá khứ là dấu hiệu của tương lai thì Triều Tiên sẽ chỉ nói mà không hành động.
Nhưng tôi tin là giờ đây Triều Tiên đã hiểu rằng Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng vũ lực quân sự nếu ông ấy phải làm như vậy".
Bà Bonnie Glaser, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)
"Tổng thống Donald Trump là một nhà thương thuyết và ông ấy tin rằng có thể một mình thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ hạt nhân. Cuộc gặp của ông Donald Trump và Kim Jong-un vừa là cơ hội vừa là rủi ro. Phía Mỹ cần phải chuẩn bị rất, rất kỹ và biết chính xác mình muốn đạt được điều gì, cũng như sẵn sàng đổi lại gì".
Ông Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ
"Mong muốn đàm phán của ông Kim Jong-un cho thấy các biện pháp trừng phạt đang có tác dụng. Chúng ta có thể theo đuổi ngoại giao nhiều hơn trong khi vẫn giữ nguyên trừng phạt. Nên nhớ, chính quyền Triều Tiên đã nhiều lần sử dụng đàm phán và những lời hứa suông để câu giờ, nhằm tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân. Chúng ta phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này.
Mỹ và Hàn Quốc cần kề vai sát cánh duy trì áp lực cần thiết để chấm dứt mối đe dọa đó. Và Trung Quốc cũng phải làm phần việc của mình".
Theo Lao Động