|
Bà Chu Thị Bình (ảnh nhỏ) còn giữ 3 sổ tiết kiệm nhưng Eximbank báo số tiền trong sổ đã không còn |
Trong câu chuyện giữa khách hàng Chu Thị Bình và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), bà Bình cho biết trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bà mới té ngửa khi thấy hồ sơ tài khoản tiết kiệm của mình tại Eximbank có hai giấy ủy quyền cho hai người rút tiền từ 31 sổ tiết kiệm.
Trong hai giấy ủy quyền này có chữ ký của bà Chu Thị Bình mặc dù bà Bình khẳng định mình không làm giấy ủy quyền này vì hoàn toàn không quen biết, không giao dịch với những cá nhân trên.
Liên quan đến chữ ký thật ở giấy ủy quyền, bà Bình cho biết đó là những chữ ký để hoàn tất thủ tục tất toán sổ tiết kiệm chứ không phải để ủy quyền rút tiền.
Sổ tiết kiệm có 400.000 EUR, trên hệ thống còn… 1 triệu đồng
Vào năm 2015, ông D.T.N (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) gửi tiết kiệm 400.000 EUR tại một chi nhánh ngân hàng ở Q.1 (TP.HCM) nhưng khi cần rút thì số tiền đã "bốc hơi". Đến nay ông N. vẫn đang ròng rã đi đòi lại khoản tiền này từ ngân hàng.
Cụ thể, tháng 12.2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn, ông N. từ Pháp về Việt Nam, đến phòng giao dịch rút hết các sổ cũ, dồn lại, cộng thêm một số tiền mới chuyển về, để nhập chung một sổ với số tiền là 400.000 EUR.
Ngày 2.2.2015, ông N. mang sổ tiết kiệm mình đang giữ đến ngân hàng để rút tiền thì mới biết sổ này trên hệ thống chỉ còn có 1 triệu đồng.
Ngày 5.2.2015, phía ngân hàng gửi ông N. thông báo cho biết số tiết kiệm có 400.000 EUR của ông đang được cầm cố thế chấp để vay 10,4 tỉ đồng và vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra.
Gần 1 năm sau, giám đốc phòng giao dịch mà ông N. gửi tiền bị khởi tố về tội “tham ô tài sản”, “vi phạm các quy định cho vay…” về hành vi chiếm đoạt của ngân hàng hơn 39 tỉ đồng. Cáo trạng cũng đề cập việc ông giám đốc này (hiện vẫn đang bị truy nã - PV) đã làm 2 sổ tiết kiệm mang tên ông N. với số dư 400.000 EUR, trong đó sổ tiết kiệm giả được giao cho ông N., còn sổ thật được sử dụng để lập khống các hồ sơ tín dụng vay 10,4 tỉ đồng, rồi chiếm đoạt.
Tháng 2.2017, vụ án được TAND TP.HCM đưa ra xét xử. TAND TP.HCM xác định số tiền ông N. gửi tại ngân hàng trên là có thật, tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề chưa rõ, bao gồm cả chữ ký thật của ông N. trên các giấy tờ rút tiền, ủy quyền…, trong khi bị can chính đang bị truy nã, nên tòa quyết định tách giao dịch giữa ông N. và ngân hàng thành một vụ kiện khác.
Ông N. cho biết khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, ông giám đốc phòng giao dịch và nhân viên có đưa cho ông N. ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng, mà ông N. được giải thích là những tờ giấy ký sẵn để tiện cho việc hoàn tất thủ tục rút tiền, nộp tiền.