Trump gặp Kim Jong Un: Mỹ liều lĩnh với chiếc bẫy của Triều Tiên?

Thứ sáu, 09/03/2018, 17:10
Triều Tiên từng dùng chiêu bài đồng ý đàm phán làm mồi nhử để tranh thủ thời gian giảm nhẹ cấm vận, nên quyết định gặp mặt của ông Trump được xem là một nước cờ liều lĩnh

Quan chức cấp cao nhất của chính quyền Mỹ từng gặp lãnh đạo Triều Tiên là Ngoại trưởng Madeleine K. Albright, người có chuyến đi đến Bình Nhưỡng vào năm 2000. Theo New York Times, vốn dĩ, bà Albright đã lên kế hoạch sắp xếp một chuyến thăm cho tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton, tuy nhiên, kế hoạch đổ vỡ.

Khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại, không đồng ý về một thỏa thuận tên lửa: Ông Kim muốn đàm phán mặt đối mặt với ông Clinton. Tổng thống Mỹ quyết định không liều lĩnh, bỏ qua chuyến thăm và dành những tuần cuối nhiệm kỳ để chạy đua cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Do đó, nếu có bất kỳ cuộc gặp mặt trực tiếp nào giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 5 này, đó sẽ là sự kiện lịch sử. Đó sẽ là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ gặp gỡ lãnh đạo tối cao Triều Tiên. Đó sẽ là cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước mà thậm chí đến một cuộc điện đàm cũng chưa từng có trong quá khứ.

Vì sao ông Trump đồng ý gặp mặt?

Thông tin gây bất ngờ được công bố sau cuộc gặp giữa các quan chức từ Seoul với ông Trump tại Nhà Trắng hôm 8/3. Ông Chung Eui Yong, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, cho biết ông đã chuyển lời rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un "muốn gặp mặt Tổng thống Trump càng sớm càng tốt" và ông Trump đã nhận lời. Cuộc gặp dự kiến diễn ra trễ nhất là cuối tháng 5.

Nhà Trắng không nói lý do chính quyền thay đổi quan điểm trước đây rằng Mỹ sẽ không đồng ý đàm phán với Triều Tiên nếu không có "những bước tiến vững chắc hướng đến phi hạt nhân hóa". Song một quan chức cấp cao cho biết ông Trump đồng ý gặp ông Kim Jong Un vì "việc nhận lời gặp mặt một người có thể thực sự đưa ra quyết định là điều hợp lý".

"Tổng thống Trump đắc cử một phần là vì ông ấy sẵn sàng áp dụng những cách tiếp cận rất, rất khác so với cách làm trong quá khứ và các cựu tổng thống. Không thể có điển hình nào tốt hơn (việc đồng ý gặp mặt) trong chính sách của ông về Triều Tiên", vị quan chức trả lời phóng viên qua điện thoại. "Tổng thống Trump nổi tiếng với việc thương lượng đàm phán".

Bản tin về việc Tổng thống Trump đồng ý gặp ông Kim Jong Un trên truyền hình Hàn Quốc hôm 9/3.

Vị quan chức nói rằng từ ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã quyết định sẽ áp dụng cách tiếp cận mới trong vấn đề Triều Tiên, để "tránh những sai lầm trong 27 năm qua". Dù áp dụng chính sách "gây áp lực tối đa", ông Trump vẫn "để ngỏ khả năng đối thoại vào thời điểm thích hợp", theo lời vị này.

Hôm 6/3, Nhà Xanh thông báo Triều Tiên đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và có thể sẽ đàm phán từ bỏ chương trình hạt nhân nếu được đảm bảo an ninh. Phản ứng trước tin này, Tổng thống Trump nói ông tin ý định của Bình Nhưỡng là "thành thật" và không thể để tình hình hòa hoãn hiện tại trở nên "mưng mủ".

Một số nhà phân tích cho rằng sở dĩ ông Kim Jong Un bất ngờ muốn đối thoại là vì các lệnh trừng phạt đã bắt đầu có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Triều Tiên cũng như ông thực sự lo ngại về nguy cơ Mỹ tấn công quân sự, theo Washington Post.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên đang "tự tin hơn bao giờ hết". Hồi tháng 11/2017, ông tuyên bố Bình Nhưỡng đã "hoàn tất chương trình tên lửa và hiện đã sẵn sàng đối thoại với Mỹ ở địa vị ngang bằng, tức là đối thoại giữa hai quốc gia hạt nhân.

Do đó, sự sốt sắng của Bình Nhưỡng trong việc ngồi xuống đàm phán với cả Seoul và Washington gây ra nhiều hoài nghi.

Chiếc bẫy của Triều Tiên?

"Có đầy đủ lý do để tin rằng với động thái này, Triều Tiên đang cố gắng giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt cũng như đảm bảo tính chính danh trên thực tế cho chương trình vũ khí hạt nhân của họ", Michael J. Green, cố vấn về châu Á cho Tổng thống George W. Bush, trả lời trên New York Times.

"Không có chỉ dấu nào cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân", ông nói thêm, đồng thời nêu ra nhiều nguy cơ nếu cuộc gặp được tiến hành, bao gồm việc cấm vận với Triều Tiên sẽ được nới lỏng.

Đồng quan điểm, Evan S. Medeiros, cố vấn châu Á cho Tổng thống Barack Obama, nói Mỹ sẽ không thu được gì từ cuộc gặp và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ không từ bỏ tham vọng hạt nhân.

"Ông Kim đùa cợt ông Moon và giờ quay sang đùa cợt ông Trump", vị cựu cố vấn nói với New York Times.

Trong cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc, bao gồm ông Chung Eui Yong, hôm 6/3 tại Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên nói họ sẽ đồng ý giải trừ hạt nhân nếu được đảm bảo về an ninh. Ông Trump nói đề nghị này "rất tích cực".

Tuy nhiên, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats nói trước quốc hội rằng ông "khá nghi ngờ" và Phó tổng thống Mike Pence nói lập trường của Mỹ về Triều Tiên sẽ không thay đổi "cho đến khi chúng ta nhìn thấy được những bước tiến đáng tin, khả dĩ và vững chắc hướng đến phi hạt nhân hóa".

Trong quá khứ, Bình Nhưỡng từng nói sự đảm bảo về an ninh đối với họ nghĩa là lực lượng Mỹ phải rời khỏi bán đảo Triều Tiên và hủy bỏ hiệp ước quốc phòng chung với Hàn Quốc, theo AFP.

Cố lãnh đạo Kim Jong Il trước đây từng nhiều lần đưa ra chiêu bài đối thoại và phi hạt nhân hóa làm mồi nhử để có thêm thời gian giảm tải cấm vận và tách Hàn Quốc khỏi các đồng minh. Triều Tiên cũng từng đồng ý đóng băng chương trình vũ khí nhưng sau đó lại phá bỏ cam kết.

Ông Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un, và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright trong cuộc gặp tháng 10/2000 tại Bình Nhưỡng.

Do đó, việc đồng ý gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên được xem là một nước cờ liều lĩnh của ông Trump. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump làm liên tưởng đến chuyến thăm "phá băng" của Tổng thống Richard Nixon tại Trung Quốc năm 1972, hay chuyến thăm "hàn gắn" của Tổng thống Barack Obama tại Cuba hồi năm 2016. Cả hai chuyến đi đều mang lại những mối quan hệ tốt hơn.

"Đây là một bước tiến lớn trong ngoại giao giữa hai nước mà lãnh đạo từng buông lời xúc phạm nhau nặng nề", cựu bộ trưởng quốc phòng William Perry, người từng đàm phán với Triều Tiên vào thập niên 1990, nói với Politico. Song ông vẫn cảnh báo về việc tiến hành đàm phán mà không có mục tiêu rõ ràng.

"Có lý do xứng đáng để gặp mặt nhưng đó là chỉ khi chúng ta sẽ nói về những thứ đáng làm và có thể được kiểm chứng một cách hợp lý. Nếu không, Mỹ sẽ đẩy chính mình vào một thất bại lớn về ngoại giao", cựu quan chức nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn