Sẽ xóa hàng trăm nhà nuôi yến?

Thứ năm, 08/03/2018, 10:28
Theo dự thảo phương án quy hoạch vùng nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn đến 2025, TP.HCM sẽ chỉ cho nuôi chim yến tập trung tại Q.9, H.Củ Chi và H.Cần Giờ.

Một nhà nuôi yến ở Q.3, TP.HCM

Những nhà yến ở địa phương khác nếu hoạt động không hiệu quả sẽ bị dẹp bỏ.

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2006, một số nhà đầu tư trong nước đã khởi phát đầu tư xây nhà nuôi chim yến tại H.Cần Giờ. Đến năm 2008, UBND TP mới chấp thuận chủ trương triển khai đề án thí điểm nuôi yến trong nhà tại xã Tam Thôn Hiệp (H.Cần Giờ) với quy mô xây dựng tối đa 10 nhà nuôi, diện tích xây dựng bình quân 200m2/nhà.

Tăng chóng mặt
Sau gần 10 năm, số liệu của Sở NN-PTNT TP.HCM cho thấy đến cuối năm 2017 TP có hơn 500 nhà nuôi chim tại 19 quận, huyện, trong đó tập trung ở H.Cần Giờ 231 nhà, Q.9 có 60 nhà, H.Củ Chi 15 nhà, còn lại 201 nhà ở Q.8, Q.2, Q.12, Q.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh...
Trong số hơn 500 nhà yến, có 298 nhà khai thác ổn định, hiệu quả (trên 1 kg tổ yến/tháng); đang khai thác nhưng chưa có hiệu quả kinh tế là 104 nhà (dưới 1 kg tổ yến/tháng) và 125 nhà chưa khai thác. Sản lượng tổ yến khai thác năm 2016 đạt 6,8 tấn, tăng hơn 41% so với năm 2015, riêng H.Cần Giờ đạt gần 5,4 tấn; sản lượng 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 3,4 tấn, doanh thu hàng trăm tỉ đồng.
Với nguồn lợi gần như “trời cho”, việc phát triển nhà yến ở TP gia tăng rất nhanh và hầu hết là tự phát. Nhiều nhà dân đang ở, thấy chim yến xuất hiện thì biến thành… nhà yến. Như ở khu dân cư Đồng Diều (P.4, Q.8) có 3 nhà yến, trong đó ngôi nhà ngay đầu đường 270 Cao Lỗ có 5 tầng thì 4 tầng trên được cải tạo để nuôi yến. Vào mỗi buổi chiều, yến bay về đen một vùng trời. Hay dọc hai bên đường Rừng Sác nối từ Bến phà Bình Khánh đến TT.Cần Thạnh (Cần Giờ) xuất hiện hàng trăm nhà yến, tiếng kêu của đàn yến bay về và tiếng loa phát dẫn dụ yến vào nhà rền vang khu dân cư…
Chính quyền TP nhìn nhận, việc xây nhà cho yến vào trú ngụ để lấy tổ đang trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch sinh thái để khai thác dịch vụ du lịch tổng hợp… Tuy nhiên, thực tế ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng nhà yến, đặc biệt là tại các quận nội thành, trong khu dân cư tập trung. Do chưa có quy hoạch bài bản nên hầu hết các nhà yến đều tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương, một số nhà yến phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, không có các biện pháp bảo vệ môi trường...
Thu hoạch tổ yến
Khoanh vùng nuôi tập trung
Để đưa việc nuôi chim yến phát triển bài bản, Sở NN-PTNT TP.HCM trình UBND TP phương án quy hoạch theo 3 hình thức: vùng nuôi tập trung, vùng nuôi phân tán và vùng cấm nuôi. Theo đó, chỉ H.Cần Giờ, H.Củ Chi và Q.9 mới được nuôi yến tập trung với tổng diện tích quy hoạch khoảng hơn 8.200ha, số nhà nuôi yến đến năm 2020 là 480 nhà với gần 900.000 con chim yến, sản lượng hơn 6 tấn. Đến năm 2025 tại 3 địa phương này phát triển lên 590 nhà, ước khoảng gần 1,3 triệu con chim yến, sản lượng hơn 8,4 tấn. Nếu tính giá bình quân mỗi ký tổ yến như hiện nay là 30 triệu đồng thì sản lượng này tương đương khoảng 250 tỉ đồng.
Trong số 3 quận, huyện tập trung nuôi chim yến từ nay đến năm 2020, H.Cần Giờ chiếm 400 nhà yến, tổng diện tích 5.607 ha, chủ yếu ở các xã Tam Thôn Hiệp (170 nhà), Bình Khánh (40 nhà), An Thới Đông (100 nhà), Lý Nhơn (90 nhà). Tại H.Củ Chi, quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung dọc theo sông Sài Gòn tại các xã Bình Mỹ, Trung An, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng và Tân Thạnh Đông với 45 nhà nuôi yến, tổng diện tích khoảng 2.116 ha. Tại Q.9, quy hoạch vùng nuôi chim yến chỉ tập trung tại P.Long Phước với 40 nhà nuôi yến.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết trong quá trình triển khai lấy ý kiến phương án quy hoạch nuôi chim yến trong nhà, chỉ có Q.9, H.Cần Giờ và H.Củ Chi đề xuất tiếp tục phát triển chim yến do có tiềm năng, nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, sông nước, mật độ dân số còn thấp… Các địa phương còn lại, nhất là H.Bình Chánh và H.Nhà Bè có số lượng nhà nuôi yến tương đối nhiều nhưng đề xuất không tiếp tục quy hoạch mà chỉ cho tồn tại những nhà nuôi yến hiện hữu có hiệu quả kinh tế trong thời gian tới.
Theo phương án của Sở NN-PTNT TP.HCM, nhà nuôi yến phải nằm trong vùng quy hoạch, nằm trên đất nông nghiệp khác và vùng đã được quy hoạch sản xuất đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được UBND quận, huyện chấp thuận. Đối với các nhà nuôi chim yến hiện hữu, ngoài những khu vực quy hoạch tập trung, chỉ cho tồn tại những nhà nuôi cách xa khu dân cư tập trung và đang khai thác có hiệu quả (trên 1kg tổ yến/tháng).
Việc làm nhà yến, nuôi yến phải khai báo, đăng ký với UBND quận, huyện và được cấp phép xây dựng. Nhà nuôi yến phải cách biệt với nhà ở, cách xa khu dân cư tập trung, bệnh viện, trường học, chợ, công sở, khu công nghiệp tối thiểu 300 m tính theo 4 hướng đông - tây - nam - bắc; việc kiểm soát tiếng ồn và bảo vệ môi trường… đảm bảo theo quy định tại Thông tư 35/2013 của Bộ NN-PTNT về quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.
Lo phát sinh tiêu cực
Phương án của Sở NN-PTNT TP.HCM đưa ra cũng nhấn mạnh, những vùng nằm ngoài các khu vực quy hoạch được xác định là vùng cấm nuôi, TP sẽ không chấp thuận xây mới nhà yến. Những nhà nuôi yến hiện hữu không hiệu quả (dưới 1 kg tổ yến/tháng) sẽ nằm trong diện không được tiếp tục tồn tại, và TP cũng không bố trí kinh phí bồi thường vì các nhà yến này xây dựng trái quy định.
Nhìn nhận tính cần thiết phải quy hoạch, nhưng bà Nguyễn Hồng Điệp, Chánh văn phòng UBND Q.2, cho rằng cần lưu ý cách làm. “Trên địa bàn Q.2 hiện có 21 nhà yến kết hợp nhà ở. Quận sẽ thực hiện đúng theo phương án quy hoạch mà TP duyệt. Tuy nhiên, cơ sở nào xác định nhà yến thu được dưới 1 kg tổ yến/tháng để buộc ngưng tồn tại là một vấn đề khó khăn vì phụ thuộc vào sự khai báo của chủ nhà yến. Có thể cơ quan thuế kiểm soát thông qua việc bán tổ yến nhưng đa phần chủ nhà yến nếu có tổ để bán thì cũng bán nhỏ lẻ. Nếu như không cho phát triển thêm, chúng ta nên hướng dẫn để các nhà yến hoạt động đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư là tốt nhất”, bà Điệp kiến nghị.
Trong khi đó, một chủ nhà yến ở Cần Giờ đặt vấn đề: Các xã, thị trấn Cần Giờ đều có nhà nuôi yến, chứ không chỉ xuất hiện ở 4 xã Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn. Nếu như chỉ cho tồn tại nhà yến ở 4 xã này như đề xuất của Sở NN-PTNT TP.HCM thì sẽ ảnh hưởng đến không ít nhà yến ở các địa bàn khác.
“Kinh phí xây dựng 1 nhà yến rất lớn, thậm chí lên đến cả tỉ đồng, nếu không cho tồn tại sẽ gây lãng phí lớn. Thực tế, không phải xây nhà yến xong là có yến vào làm tổ ngay, mà có khi mất 1 - 2 năm, thậm chí vài ba năm sau mới có yến vào làm tổ để thu hoạch. Bây giờ nếu áp dụng quy định dưới 1 kg tổ yến/nhà sẽ bị ngưng nuôi thì chưa ổn”, ông này nói và cho rằng nên đưa ra tiêu chí cụ thể về quy chuẩn xây dựng, môi trường… để cấp phép, quản lý.

Theo quy định tại Thông tư 35/2013 của Bộ NN-PTNT, chủ cơ sở nuôi chim yến trước thời điểm thông tư có hiệu lực (ngày 6.9.2013) chỉ cần khai báo với phòng NN-PTNT hoặc phòng kinh tế ở các quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh; nếu xây mới nhà nuôi yến sau thời điểm thông tư có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện.

Thông tư 35 quy định cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 - 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần.

Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường...

Nên tìm cách khai thác nguồn “vàng trắng”

Theo GS-TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam, Chủ tịch Hội Yến sào TP.HCM, TP.HCM là một trong những địa bàn có chim yến sinh sống tập trung nhiều nhất nước.

Hiện nay, rải khắp các quận, huyện đều có những mô hình nhà nuôi yến, trong đó chủ yếu tập trung tại các khu vực ven sông Sài Gòn và khu rừng ngập mặn như H.Cần Giờ, Q.Bình Thạnh, Q.9, Q.Thủ Đức, H.Củ Chi… Riêng H.Cần Giờ với rừng ngập mặn bao phủ nên phong trào nuôi chim yến phát triển rất mạnh và đang đứng đầu trong toàn TP, thậm chí dẫn đầu cả nước cả về quy mô, sản lượng tổ yến.

Theo số liệu điều tra của ngành nông nghiệp, đến năm 2017 cả nước đã có 36 tỉnh, thành phát triển nghề nuôi yến trong nhà, với tổng số trên 5.060 nhà yến. Nghề nuôi chim yến ở miền Trung mạnh nhất tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, bình quân mỗi tỉnh đều có trên 200 nhà yến và đây là những địa phương cơ bản đã quy hoạch vùng nuôi chim yến làm cơ sở để phát triển trong tương lai.

Trong những năm qua, Viện đã tổ chức hơn 20 hội thảo ở trong và ngoài nước về yến sào để đúc kết kinh nghiệm thực tiễn làm cơ sở khoa học phát triển ngành nghề nuôi yến.

Qua các hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia khẳng định cúm gia cầm H5N1 không lây lan trên đàn yến, vì chim yến sống trên cao, ăn chủ yếu là các loại côn trùng có cánh...

Những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đã cho phép dùng sóng siêu âm dẫn dụ yến vào nhà chứ không dùng hệ thống loa phát ra tiếng kêu gây ồn; các nhà đầu tư cũng ứng dụng thành công và hiệu quả việc ấp nở nhân tạo nhằm tăng nhanh sản lượng bầy đàn trong nhà nuôi…

“Nghề nuôi yến lấy tổ trên thế giới chủ yếu chỉ tập trung tại Đông Nam Á, nơi có điều kiện môi trường và tự nhiên phù hợp với tập tục sinh sống của loài chim yến. Chỉ tính riêng Malaysia có đến hơn 80.000 nhà yến, sản lượng đạt giá trị hơn 1 tỉ USD/năm. Do hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng cháy rừng, phá rừng… ở một số nước trong khu vực làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên nên đàn chim yến đang có khuynh hướng di chuyển về các vùng nhiều đảo ở VN và cả rừng ngập mặn H.Cần Giờ. Chúng ta không nên “chối bỏ” món quà quý giá thiên nhiên ban tặng, mà cần học hỏi kinh nghiệm các nước để tạo điều kiện phát triển mạnh nghề nuôi yến, chứ bây giờ mình quản lý theo kiểu cứng nhắc, cho nhà yến tồn tại kiểu như ban ơn là không nên”, GS-TS Trang nói.

“Chẳng hạn ở Malaysia họ cho phát triển nhà yến thoải mái, khi hậu kiểm nếu đạt tiêu chuẩn thì cho tồn tại, thậm chí ở bên đó nhiều công trình bên trên là nuôi yến, bên dưới để ở bình thường bởi tổ yến là nguồn vàng trắng”, ông Trang nói và khuyến nghị với các nhà yến hiện hữu cần hướng dẫn để người nuôi làm đúng kỹ thuật, gia tăng hiệu quả nhằm tiết kiệm nguồn lực xã hội vì mỗi nhà yến xây dựng tốn kém tiền tỉ đồng.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích