|
Ông Dương Hiểu Độ, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, sẽ là lãnh đạo Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc. |
Phát biểu bên lề kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc (TQ), ông Dương Hiểu Độ, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương TQ, nhấn mạnh khối lượng công việc của cơ quan chống tham nhũng mới sẽ vô cùng lớn.
Gấp ba số đối tượng điều tra
Ông Dương Hiểu Độ sẽ là người lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng mới của TQ là Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC). Một luật giám sát mới đã được đệ trình chờ thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này ở Bắc Kinh, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết. Cơ quan này sẽ tích hợp Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của đảng (CCDI) với nhiều bộ, ngành tư pháp và chấp pháp của TQ có nhiệm vụ chống tham nhũng.
“CCDI và các ủy ban địa phương sẽ có thêm 10% nhân sự tăng thêm sau quá trình tích hợp. Số đối tượng cần điều tra, giám sát tăng 200%. ủy ban sẽ đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ” - ông Dương cho biết, tuy nhiên không tiết lộ cụ thể số nhân viên của Ủy ban Giám sát toàn quốc. Tờ SCMP cho biết các mô hình tích hợp tiên phong đã bắt đầu được tiến hành ở Bắc Kinh, Thiểm Tây và Chiết Giang.
Giải thích về động lực thúc đẩy thành lập NSC, ông Dương cho biết: “Trong quá khứ vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống chống tham nhũng. Đó là công tác giám sát những công chức không phải là đảng viên và những người không làm việc trong lĩnh vực công”. Ông Dương cũng tiết lộ rằng hình thức kỷ luật đối với đảng viên và người không thuộc đảng viên không giống nhau hoàn toàn.
Bước tiến mới trong chống tham nhũng
Cơ quan chống tham nhũng mới sẽ giám sát hoạt động của các ủy ban trên toàn quốc, từ cấp tỉnh thành đến cấp thị xã. NSC giờ đây có khả năng điều tra, xét hỏi, lục soát, bắt giữ và có những biện pháp kỷ luật không chỉ với đảng viên tình nghi tham nhũng mà là mọi cá nhân làm việc trong lĩnh vực công, tờ SCMP cho biết. Không chỉ vậy, các ủy ban địa phương sẽ có quyền điều tra những doanh nhân nào tình nghi có hành vi hối lộ.
Tờ SCMP nhận định NSC sẽ chính quy hóa cuộc chiến chống tham nhũng tại TQ chứ không dừng lại với tính chất một “chiến dịch” như dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Các cơ sở để xét hỏi nghi phạm tham nhũng cũng sẽ được nâng cấp. Đơn cử là trụ sở của CCDI ở tỉnh Hà Bắc đã được nâng cấp về diện tích, tăng số phòng tạm giam vì các điều tra viên phải xử lý một quy mô rộng hơn các đối tượng tình nghi.
“Chúng tôi nâng cấp cơ sở vật chất nơi chất vấn, xét hỏi để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn pháp luật mới” - ông Dương cho biết. Tất cả cuộc chất vấn những nghi phạm tham nhũng giờ đây sẽ được ghi âm, thu hình trong quá trình điều tra, theo SCMP.
Sẽ là cơ quan siêu quyền lực?
Tờ SCMP cho biết cơ quan chống tham nhũng mới sẽ chỉ đứng sau Quốc vụ viện, nội các chính phủ và Quân ủy trung ương nhưng quyền hành vẫn xếp trước tòa án và viện kiểm sát. Điều này làm dấy lên lo ngại NSC sẽ trở thành một “siêu bộ” với quá nhiều quyền lực, làm mờ đi ranh giới của luật pháp. Trong đợt lấy ý kiến dự thảo luật giám sát quốc gia, đã có nhiều quan điểm lo ngại về oan sai, cho rằng người dân sẽ có rất ít hoặc thậm chí không có nguồn lực pháp lý để kháng lại các quyết định cuối cùng mà những ủy ban giám sát đưa ra.
Tờ Nikkei Asian Review cũng cảnh báo sự ra đời của NSC có thể làm suy yếu những sáng kiến đòi minh bạch hóa và công khai ngân sách để chống tham nhũng. Ngoài ra, những cản trở về mặt hành chính cũng có thể làm giảm mức độ tham gia của người dân vào công tác chống tham nhũng tại TQ.
Theo hai chuyên gia Dimitar Gueorguiev, ĐH Syracuse (Mỹ) và Jonathan Stromseth, Viện Brookings (Mỹ) thì số lượng khổng lồ các vụ án tham nhũng mà CCDI tiếp nhận cũng phần nào nhờ vào những nguồn tin tố cáo từ xã hội. Mặt khác, việc mở rộng chống tham nhũng bên ngoài phạm vi đảng viên cũng có thể tác động đến hoạt động kinh doanh và nền kinh tế TQ, theo Nikkei Asian Review.
Phản bác lại các nghi ngại này, ông Dương Hiểu Độ nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ cơ quan này là một “siêu bộ”. Phần lớn công việc của chúng tôi chỉ mang tính thường nhật và khiêm tốn: giám sát việc công, ngăn cản mọi người phạm những sai lầm từ nhỏ đến lớn”. Ông Dương cũng nhấn mạnh rằng các kiểm sát viên sẽ được đề nghị đánh giá những yêu cầu điều tra kiểm soát đảm bảo cơ sở pháp lý cho những cuộc điều tra và có quyền không thông qua yêu cầu điều tra.
Theo PLO