|
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 27/4. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, vấn đề hạt nhân Triều Tiên dự kiến là trọng tâm của chương trình nghị sự trong hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều diễn ra vào ngày mai. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn có thể thảo luận một hiệp định hòa bình chính thức để chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 65 năm trước. Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh khi cuộc chiến liên Triều giai đoạn 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình.
Cuộc gặp cũng được đánh giá sẽ dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên nhiều khả năng diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Hy vọng của các bên
Hồi tháng hai, Triều Tiên đã bày tỏ ý định đàm phán phi hạt nhân hóa để đổi lại những đảm bảo về an ninh. Cuối tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Tổng thống Trump gọi tuyên bố của lãnh đạo Triều Tiên là "điều tuyệt vời cho thế giới", trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói đây là "một quyết định quan trọng đối với tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk, cho rằng cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều có động cơ khác nhau trong các diễn biến gần đây.
"Điều quan trọng nhất với Trump là ngăn chặn Triều Tiên hoàn thành một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Về phần mình, Triều Tiên cần ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự của Mỹ và bước vào đàm phán như một cường quốc hạt nhân để cải thiện tình hình kinh tế. Mặt khác, Hàn Quốc muốn đưa Triều Tiên và Mỹ đến bàn đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình và khôi phục quan hệ hai miền", ông Koh nhận định.
Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa là điều kiện tiên quyết để Mỹ phải rút 28.500 binh sĩ khỏi Hàn Quốc và từ bỏ ô hạt nhân cho đồng minh. Tuy nhiên, Washington không dễ dàng nhượng bộ. Triều Tiên hiểu rõ và không đưa ra yêu cầu đó ở thời điểm hiện tại nhưng vẫn muốn một "bảo đảm an ninh". Giới phân tích cho rằng điều này sẽ dẫn đến những bất đồng trong các hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Hoài nghi
Hai hội nghị thượng đỉnh trước đó trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2000 và năm 2007 đều không mang lại kết quả đáng kể trong việc kiềm chế tham vọng quân sự của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, dưới sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế, Kim Jong-un dường như "sẵn sàng hơn bao giờ hết" để thỏa hiệp về vũ khí, Hong Min, nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận xét.
Theo Hong, một "kịch bản lý tưởng" sẽ là ông Kim bày tỏ cam kết rõ ràng về phi hạt nhân hóa vào ngày 27/4 tới bằng cách đưa lịch trình để thanh sát viên Liên Hợp Quốc tới các cơ sở hạt nhân Triều Tiên trước khi có kế hoạch cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump.
Nhưng một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ, cảnh báo rằng dù Kim đã tuyên bố dừng thử hạt nhân, tên lửa, thực tế Triều Tiên không cần các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong thời gian này và việc đóng cửa cơ sở hạt nhân như đã hứa có thể bị đảo ngược.
Theo nhà khoa học chính trị từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Vipin Narang, việc Triều Tiên đóng cửa cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri không đồng nghĩa với việc họ sẽ không sử dụng các địa điểm khác hay thậm chí thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển.
"Tôi không thấy tuyên bố của Triều Tiên là một bước tiến tới phi hạt nhân hóa. Họ ngừng thử nghiệm nhưng tái khẳng định họ là một quốc gia hạt nhân", Christopher Green từ Nhóm Khủng Hoảng Quốc Tế, bình luận.
Mintaro Oba, người từng phụ trách các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng bày tỏ hoài nghi, cho rằng "Triều Tiên là bậc thầy về chuyện công khai nhưng không đưa ra nhượng bộ nghiêm túc".
Theo VNE