|
Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng chung cư ở các quận mới phát triển cũng là một hướng để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM. Trong ảnh: chung cư Hà Đô Nguyễn Văn Công trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM |
Nghị quyết số 16 ngày 31-7-2008 của Chính phủ đưa ra yêu cầu "từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM", nhưng sau 10 năm trôi qua, nhiều nội dung của nghị quyết không được thực hiện, thậm chí còn... trái ngược nếu so với tình hình thực tế.
TP.HCM: không xây căn hộ ở khu trung tâm
Chị Khánh Quỳnh, ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1, cho rằng chủ trương ngưng xây chung cư cao tầng trong khu trung tâm là hợp lý. "Tôi đi từ phường Bến Nghé đến trụ sở UBND quận 1 mất gần 30 phút vì kẹt xe. Xe máy, xe hơi ngày càng đông trong khi đường không mở rộng ra được. TP nên dành quỹ đất ở trung tâm để làm thêm khu vui chơi, công viên cho trẻ em, xây thêm trường học, bệnh viện để tăng chất lượng cuộc sống của người dân", chị Quỳnh kiến nghị.
Tại TP.HCM, chủ trương hạn chế xây chung cư cao tầng trong các quận nội ô đã có từ nhiều năm trước với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và giãn dân. Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho biết chủ trương hạn chế xây chung cư cao tầng ở các quận nội thành cũ như 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình.
Gần đây, với quyết tâm chống ùn tắc giao thông, giảm áp lực lên hạ tầng ở khu trung tâm, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan liên quan sẽ không cho xây dựng cao ốc có chức năng ở trong khu trung tâm 930ha của TP.HCM. Điều này nhằm không phát sinh dân số và tìm giải pháp để khắc phục giao thông.
Theo ông Toàn, việc hạn chế xây dựng chung cư cao tầng ở các quận nội thành cũ, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng chung cư ở các quận mới phát triển cũng là một hướng để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM. Cùng với việc giãn dân, TP.HCM muốn phát triển các khu đô thị kế cận như Tây Bắc, Hiệp Phước, Tân Tạo... Bên cạnh đó cũng sẽ xây dựng các đường vành đai, giao thông công cộng... để rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm TP.HCM và các đô thị kế cận.
"Để thu hút các nhà đầu tư vào các đô thị kế cận, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt. Ví dụ như giảm tiền sử dụng đất cho các dự án có sử dụng đất ở các đô thị kế cận, chính sách thuế ưu đãi trong những năm đầu của dự án... Trong khi đó, Nhà nước sẽ tăng tiền sử dụng đất, tăng thuế ở khu vực nội ô, trung tâm TP.HCM. Như vậy, giá nhà ở các quận phát triển mới, ngoại thành sẽ rẻ hơn, thu hút người dân tập trung về ở", ông Toàn nhận định.
Những tòa nhà chung cư ở quận 4 và quận 1, TP.HCM nằm hai bên bờ kênh Bến Nghé |
Theo yêu cầu của nghị quyết 16, Hà Nội "chỉ cho phép xây dựng các khu chung cư cao tầng hoặc các cơ sở dịch vụ nếu đảm bảo được diện tích để môtô, xe máy, ôtô theo quy định". Vậy nhưng khảo sát quanh khu vực Trung Hòa - Nhân Chính thuộc hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, thực trạng nhức nhối khi cả trăm tòa cao tầng đã và đang xây dựng nhưng không đáp ứng đủ bãi đỗ xe.
Cách đây 10 năm, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có khoảng 2.400 căn hộ, dân số trên 1 vạn người. Tuy nhiên đến nay, khu đô thị này đã bị "phình to" một cách bất thường. Thay vì chỉ gần 10 block nhà, toàn khu có trên 30 tòa cao ốc của hàng loạt dự án thuộc nhiều chủ đầu tư khác nhau cao từ hơn 10 tầng đến trên 30 tầng mới mọc lên và đưa vào sử dụng. Lượng dân sinh sống và làm việc tại khu này vì đó nhân thêm nhiều lần so với con số ban đầu.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trục trung tâm phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai khi rải dọc tuyến đường này có hàng loạt cao ốc, từ Grand Plaza, Eurowindow, Trung Yên Plaza, các tòa chung cư M1, 2, 3, 4, tháp Lotte... Cao ốc ồ ạt mọc lên dẫn tới không có đủ diện tích cho bãi đỗ, ôtô đậu tràn lan xung quanh tòa nhà, các đường giao thông nội bộ và tràn ra cả lòng đường, vỉa hè các trục giao thông chính.
Trung tâm nhất phải kể đến dự án Sun Grand City tại 69B Thụy Khuê (và mặt tiền phía sau là 48 Hoàng Hoa Thám) hiện đang xây sắp xong phần thô. Đây là dự án chỉ cách khu trung tâm chính trị Ba Đình - khu vực kiểm soát tuyệt đối về chiều cao, kiến trúc - một quãng không xa. Bị kẹp bởi hai tuyến đường rất chật chội và không có lối thoát là Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám, tổ hợp chung cư cao cấp này có quy mô gồm 2 tháp đôi (21 và 23 tầng) với tổng diện tích tới 15.000m2.
|
Cao ốc chen cứng trên đường Bến Vân Đồn, TP.HCM |
Thủ tướng: Không xây thêm nhà cao tầng khu trung tâm Hà Nội và TP.HCM Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu xây dựng dự thảo nghị quyết về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM (thay thế nghị quyết số 16 của Chính phủ), trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-6. Để chuẩn bị dự thảo nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu lưu ý các giải pháp không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hòa giao thông, quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phong trào tự quản... cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm. Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia): Cần đánh giá tác động giao thông khi duyệt dự án Theo tôi, khi phê duyệt dự án, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu chủ đầu tư trình đánh giá tác động về giao thông. Trong đó phải trình bày các chỉ tiêu về số dân cư, xe, bãi đỗ xe, đường lưu thông nội bộ... Các đơn vị chuyên môn sẽ thẩm định phương án căn cứ trên tình hình thực tế và trên cơ sở đó phê duyệt. Tùy vào tác động lên hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng, đơn vị quản lý sẽ phê duyệt cho dự án đó về chiều cao, số tầng, số tòa, diện tích xây dựng cụ thể. * Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng): Quy hoạch thành phố đa trung tâm TP.HCM cần tập trung xây dựng các trung tâm ngoại vi trong quy hoạch thành phố đa trung tâm. Khâu thực hiện thời gian qua còn yếu nên không kích thích được người dân nội thành ra ở các khu trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh. Chỉ có thành phố đa trung tâm mới giải quyết được ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Cần giãn dân để tính toán lại chiều cao, phân bổ hợp lý hơn cho khu vực nội thành. Khu nội thành vẫn phát triển nhưng "từ tốn" hơn, không bị phát triển "nóng", giảm áp lực, giữ gìn sự phát triển bền vững. * TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM): Cần có tiện ích cho dân ở xa trung tâm Để dân về các đô thị xa trung tâm sống mà không làm tăng cường độ giao thông thì phải bố trí chỗ ở và chỗ làm gần nhau, khu ở phải có những dịch vụ, tiện ích kèm theo và chỗ học, chỗ chơi để phục vụ người dân tại chỗ. Như vậy mới làm giảm nhu cầu tham gia giao thông của người dân, giải được bài toán ùn tắc. Nếu đưa người ra các trung tâm đô thị mới thì phải làm giao thông đối ngoại từ trung tâm cũ ra, phải mở rộng một số tuyến đường để phục vụ cho giao thông con lắc hằng ngày từ trung tâm cũ đến trung tâm mới. |
Theo TTO