|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban quân ủy trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
Hãng tin Yonhap ngày 3/6 dẫn lời quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, Triều Tiên đã cách chức 3 tướng quân đội gồm Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong Sik, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên Ri Myong Su và Cục trưởng Tổng cục chính trị của quân đội Triều Tiên Kim Jong Gak.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Triều Tiên, ông No Kwang-chol, được cho là người có đường lối ôn hòa hơn so với người tiền nhiệm Pak Yong Sik. Ngoài ra, 3 tướng được bổ nhiệm mới cũng có tuổi đời trẻ hơn so với những người tiền nhiệm.
Hiện chưa rõ lý do khiến 3 quan chức cấp cao của quân đội Triều Tiên mất chức, song một số nhà quan sát cho rằng, có thể những người này bất đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chính sách theo hướng cởi mở, ôn hòa hơn với Mỹ và Hàn Quốc .
Ken Gause, giám đốc nhóm nghiên cứu quan hệ quốc tế của một tổ chức phi lợi nhuận, nhận định: "Nếu ông Kim Jong-un muốn hòa hoãn với Mỹ và Hàn Quốc và muốn mặc cả ít nhất một phần chương trình hạt nhân, ông ấy sẽ phải tạm gói ghém lại tầm ảnh hưởng của quân đội Triều Tiên. Việc cải tổ này sẽ chọn ra các quan chức có thể làm điều đó. Họ là những người trung thành tuyệt đối với ông Kim Jong-un".
Michael Madden, một chuyên gia của trang web 38Norrth của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cũng nhận định, động thái này của ông Kim Jong-un dường như là nhằm thiết lập một đội ngũ trợ lý quân sự trẻ hơn và đáng tin cậy hơn trong bối cảnh ông phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước và quốc tế.
Chuyên gia này cho rằng, động thái cải tổ nhân sự cũng phản ánh mong muốn của ông Kim Jong-un nhằm đưa quân đội đóng vai trò lớn hơn trong các dự án kinh tế trọng điểm của quốc gia. Điều đó có thể lý giải tại sao tân Cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Kim Su Gil tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thị sát khu kinh tế du lịch biển hồi cuối tháng trước. Ngoài ra, ông Kim Jong-un có lẽ mong muốn sớm nhận được nhiều hơn đầu tư và viện trợ kinh tế của quốc tế dựa vào tiến triển của các cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.
Chung quan điểm này, Giáo sư Yang Moo-ji thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định: “Ông Kim Jong-un đang củng cố quyền lực và củng cố ảnh hưởng của đảng đối với quân đội trong bối cảnh Triều Tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế. Họ trẻ tuổi, nhưng họ đều là những người có năng lực”.
Ngoài yếu tố củng cố quyền lực và thúc đẩy kinh tế, chuyên gia Madden cho rằng, lý do ông Kim Jong-un quyết định chọn 3 gương mặt mới cho quân đội Triều Tiên là cả 3 quan chức này đều có kinh nghiệm ngoại giao. Đây được coi là yếu tố quan trọng trong bối cảnh ông Kim Jong-un thúc đẩy các cuộc họp với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Syria.
Động thái cải tổ quân đội của ông Kim Jong-un diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào ngày 12/6 tới tại Singapore. Mỹ nhiều lần nêu quan điểm rằng, Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” để có được các nhượng bộ như dỡ bỏ trừng phạt, viện trợ kinh tế.
Theo Dân Trí