Triều Tiên thực sự cần “món quà” viện trợ kinh tế của Mỹ?

Thứ hai, 04/06/2018, 09:15
Trong lúc giới chức Mỹ và Triều Tiên tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế của Washington.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Hồi đầu tuần qua, Rodong Shinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã đăng bài xã luận chỉ trích truyền thông Mỹ là “vô liêm sỉ” khi nói rằng Bình Nhưỡng có thể nhận viện trợ quy mô lớn nếu đáp ứng các điều kiện do Washington đưa ra.

“Liên quan tới viện trợ kinh tế như Mỹ quảng cáo, Triều Tiên chưa bao giờ mong chờ nhận khoản viện trợ này”, bài xã luận nhấn mạnh.

Lập trường trên của Bình Nhưỡng rõ ràng đi ngược lại với chiến lược mà Tổng thống Trump đang theo đuổi, trong đó hứa hẹn về tương lai tươi sáng cho Triều Tiên nếu nước này đồng ý phi hạt nhân hóa.

“Tôi thực sự tin tưởng rằng Triều Tiên sẽ có tương lai tươi sáng và sẽ trở thành một đất nước với nền kinh tế và tài chính hùng mạnh. Ông Kim Jong-un đồng ý với tôi điều này. Chuyện đó sẽ xảy ra!”, Tổng thống Trump viết trên Twitter cuối tuần trước.

Mặc dù có bằng chứng rõ ràng cho thấy các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên đã phát huy tác dụng khi đẩy nước này vào tình thế buộc phải thay đổi, song cũng có một số lý do khiến Bình Nhưỡng không coi lời hứa viện trợ kinh tế của Mỹ là số một. Triều Tiên từng tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu của nước này là bảo đảm an ninh.

Là nhà lãnh đạo đầy tự trọng, ông Kim Jong-un không bao giờ muốn tỏ ra là người yếu đuối hay dễ “xiêu lòng” trước các món quà về kinh tế từ bên ngoài. Triều Tiên cũng không muốn quá lệ thuộc vào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác trong quá trình phát triển nền kinh tế của nước này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lái thử máy kéo tại một nhà máy sản xuất đầu máy ở Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Theo cây bút Motoko Rich của New York Times, chính quyền Kim Jong-un dường như cảm thấy bị “mất mặt” nếu ai đó cho rằng Triều Tiên chịu chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân để giành được sự viện trợ từ chính quyền Donald Trump.

“Mỹ đang rao giảng rằng nước này sẽ cung cấp các khoản bồi thường và lợi ích về kinh tế nếu chúng tôi từ bỏ hạt nhân. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ mong đợi sự hỗ trợ đó từ Mỹ khi chúng tôi xây dựng kinh tế, và cũng không có ý định đạt được một thỏa thuận như vậy trong tương lai”, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan cho biết trong thông báo phát đi chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trước đó hai tháng, ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời theo đuổi một chiến lược mới tập trung vào việc tái thiết nền kinh tế. Mặc dù nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đưa ra một số cải cách theo hướng mở cửa thị trường nhưng ông không thể đạt được những mục tiêu kinh tế lớn hơn nếu không có sự giúp đỡ từ nước ngoài. Nếu ông Kim Jong-un không phi hạt nhân hóa để được nới lỏng trừng phạt, Triều Tiên sẽ rất khó để có thể phát triển thịnh vượng.

Thực tế là như vậy, nhưng theo ông Daniel Pinkston, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Troy, trong hệ tư tưởng của Triều Tiên, vũ khí hạt nhân mới là yếu tố mang lại sức mạnh và tính hợp hiến cho chính quyền Bình Nhưỡng. Và sức mạnh có được từ vũ khí hạt nhân sẽ giúp Triều Tiên chuyển hóa thành sức mạnh để phát triển kinh tế.

“Nếu Triều Tiên mạnh hơn và quyền lực hơn, nước này sẽ có vị thế tốt hơn để theo đuổi và đạt được các mục tiêu khác, bao gồm phát triển kinh tế”, ông Pinkston nói.

Mong muốn độc lập của Triều Tiên

Khu phức hợp Khoa học Công nghệ được thiết kế giống mô hình nguyên tử ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Đây được xem là công trình biểu tượng cho sự phát triển về khoa học công nghệ của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Mỹ và Hàn Quốc muốn thuyết phục Triều Tiên rằng, việc Bình Nhưỡng tập trung phần lớn nguồn lực quốc gia vào các chương trình hạt nhân và quân sự sẽ khiến nền kinh tế bị thụt lùi. Nhưng Triều Tiên không nghĩ như vậy.

Ban đầu, khi Triều Tiên viện dẫn lý do an ninh liên quan tới cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn để dọa hủy cuộc gặp với Washington, Tổng thống Trump đã tìm cách trấn an Bình Nhưỡng và đưa ra lời hứa hẹn về kinh tế.

“Ông Kim Jong-un sẽ vẫn ngồi ở đó. Ông ấy sẽ vẫn điều hành đất nước của ông ấy. Đất nước của ông ấy sẽ rất giàu và năng động”, ông Trump nói với các phóng viên.

Sau đó, trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên để thông báo hủy cuộc gặp, ông Trump viết: “Thế giới, đặc biệt là Triều Tiên, đã mất cơ hội rất lớn để giành được nền hòa bình kéo dài cũng như sự giàu có và thịnh vượng”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng cũng đổi ý và hội nghị thượng đỉnh vẫn diễn ra như bình thường tại Singapore vào ngày 12/6 tới.

Mặc dù từng bày tỏ mong muốn về các khoản đầu tư nước ngoài và triển vọng phát triển du lịch, song nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhấn mạnh rằng ông muốn duy trì sự độc lập của nền kinh tế Triều Tiên. Đây chính là kết quả của hệ tư tưởng “juche” (tự lực cánh sinh) tồn tại ở Triều Tiên trong suốt nhiều năm.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát công trình xây dựng khu du lịch Wonsan-Kalma ở Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

“Độc lập là điều mà họ (Triều Tiên) thực sự quan tâm. Họ muốn nhận được các lợi ích về kinh tế theo điều kiện riêng của họ”, Laura Rosenberger, nhà nghiên cứu cấp cao kiêm giám đốc của Liên minh Bảo đảm Dân chủ, nhận định.

Theo bà Rosenberger, trong quá khứ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng từ chối lời mời gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì không muốn thừa nhận rằng nền kinh tế Triều Tiên lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng cảnh giác với việc mở cửa quá nhanh nền kinh tế theo hướng tự do. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi lo ngại rằng sự tăng lên trong kỳ vọng của người dân cũng như sức mạnh của nền kinh tế có thể khiến Triều Tiên rơi vào tình trạng bất ổn và làm suy yếu chính quyền.

Theo giới phân tích, Mỹ sẽ phải tìm cách để thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng đất nước Triều Tiên, và bản thân ông Kim Jong-un, vẫn an toàn ngay cả khi không còn sở hữu vũ khí hạt nhân, rằng Triều Tiên có thể kiểm soát các điều kiện của thỏa thuận kinh tế với Mỹ để đảm bảo thỏa thuận này chỉ có thể thúc đẩy chứ không thể làm suy yếu chính quyền Bình Nhưỡng, và rằng thỏa thuận mà ông Kim Jong-un đạt được sẽ thể hiện sự tự lực cánh sinh thay vì nhún nhường của Triều Tiên trước Mỹ.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích