Trong tháng 5, một nhóm phi công Vietnam Airlines (VNA) đã gửi kiến nghị đến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về các nội dung của thông tư 41 và thông tư 21 của Bộ Giao thông vận tải.
Trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập trong Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn xin thôi việc. Cụ thể, thông tư 41 và thông tư 21 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải chấm dứt hợp đồng. Người lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại.
Trong khi đó, Bộ Luật Lao động quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”. Ngoài ra, quy định "Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chỉ có chứng chỉ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng cho người học trong thời gian đi học…”.
Đơn kiến nghị nêu: "Dựa vào hai thông tư của Bộ Giao thông, Vietnam Airlines đã đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý và quá lớn so với người lao động (từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng) nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ Luật Lao động. Cùng với đó, phi công thôi việc phải báo trước 120 ngày.
Sau khi nhận đơn kiến nghị của phi công Vietnam Airlines, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến Bộ Giao thông để giải quyết theo thẩm quyền.
Theo một lãnh đạo Vietnam Airlines, trong tháng 5, hãng đã ghi nhận có 7 phi công nộp đơn xin thôi việc. Đây đều là những người được đào tạo theo chế độ của nhà nước, tuy nhiên mức bồi hoàn của từng người là khác nhau theo từng chương trình học ở nước ngoài. Mức thấp nhất mà phi công phải bồi hoàn là khoảng 200 triệu đồng.
"Chúng tôi thực hiện các quy định khi phi công nghỉ việc theo thông tư của Bộ Giao thông, phi công được nhà nước đầu tư đào tạo thì có trách nhiệm bồi hoàn khi chấm dứt hợp đồng", ông này cho biết.
Trong buổi gặp mặt phi công với ban lãnh đạo Tổng công ty sáng 30/5 để giải quyết những vướng mắc, ông Phạm Tiến Ngà, giáo viên huấn luyện, kiêm cơ trưởng lái máy bay A350, cho biết đã làm việc tại Vietnam Airlines lâu năm nhưng mức lương mà công ty chi trả cho ông chưa tương xứng. So với các hãng khác, mức này đang thấp nhất trong 3 hãng hàng không tại Việt Nam. Không chỉ ông, các phi công tại đây cũng đang chịu mức lương thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài. Cũng chính vì lương thưởng không tương xứng nên hiện nhiều phi công đã nộp đơn xin thôi việc.
Máy bay Airbus A350-900 của Vietnam Airlines. |
“Trong nhóm A320 do tôi quản lý có 12 cơ phó nộp đơn thôi việc, tương đương sẽ có 2 tàu bay không thể bay. Tôi dù chưa nộp đơn nhưng nếu lãnh đạo không có giải pháp tốt, tôi sẽ nộp và chịu đền bù”, ông Ngà nói và đề nghị lãnh đạo hãng cần xây dựng chính sách dài hạn, đưa ra mức lương thưởng đột phá để giữ chân nhân tài.
Là giáo viên huấn luyện kiêm cơ trưởng lái máy bay 787, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đang bị thiệt thòi khi mức lương được chi trả chỉ bằng 60-70% phi công nước ngoài. “Có những tháng tôi bay tới 120 giờ, không có thời gian chăm sóc gia đình nhưng lương chỉ bằng hai phần ba phi công nước ngoài. Làm việc cho hãng hàng không 4 sao nhưng thu nhập thua xa các hãng khác. Nếu hãng không có chính sách đột phá thì nguồn nhân lực của công ty sẽ rời khỏi đây ngày càng nhiều”, ông Tuấn nói và bộc bạch rằng Nhà nước đã cho phi công của hãng đi huấn luyện ở những trung tâm tốt, nhưng cũng nên có chính sách trả lương một cách công bằng.
Cũng cho rằng đang có khoảng cách với phi công nước ngoài, ông Trần Hải Đông, lái phụ tàu bay A350 đề nghị hãng nên chi trả lương bằng 85% lương phi công nước ngoài. Đồng thời, nên thống kê các chi phí đào tạo một cách minh bạch và quy định rõ trong hợp đồng lao động để khi ký và chấm dứt hợp đồng không gây phiền phức cho phi công.
Trao đổi với VnExpress về những bức xúc trên, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines lý giải, việc các phi công của hãng so sánh mức lương với các đơn vị cùng ngành khác là chưa chính xác và thuyết phục. Bởi lẽ, ngoài mức lương, hãng còn có nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt. Thêm vào đó, hãng là doanh nghiệp Nhà nước, thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải nên điều chỉnh lương cần phải có lộ trình. Hiện, trong quá trình xét duyệt lương, mức lương dành cho phi công đang được ưu tiên nhất và được điều chỉnh liên tục. 1/6 là đợt điều chỉnh mạnh nhất của hãng. Tất cả nhân viên đều được áp dụng chế độ lương mới, trong đó, phi công có người được tăng tới 20%, có thể tăng thêm tới 40 triệu đồng một tháng một người với cá nhân có trình độ cao.
Đối với phi công nước ngoài, sở dĩ họ có mức lương cao hơn người Việt là vì chi phí tiêu dùng, vật giá quốc gia họ ở cao, đồng thời, phát sinh nhiều chi phí khác khi làm việc xa quê hương.
“Hãng luôn tôn trọng quyết định của phi công. Họ sẽ được chấp thuận thôi việc khi hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ theo Thông tư 21. Vì hàng không là ngành đặc thù nên quy định báo trước 120 ngày để hãng có thể tìm và sắp xếp nguồn nhân lực thay thế. Phi công không giống các nghề khác, cứ nghỉ là có người bù đắp vào ngay mà phải đòi hỏi trình độ và tay nghề cao. Nhiều đối tượng huấn luyện thời gian dài nhưng vẫn không đạt”, ông Thành nói, đồng thời cũng chia sẻ, nhiều phi công cho rằng, mức bồi hoàn khi rời bỏ hãng là cao. Tuy nhiên, thực tế, mỗi phi công sẽ bồi hoàn mức khác nhau tùy vào thâm niên, và quá trình đào tạo. Có phi công chỉ bồi hoàn vài trăm triệu, người khác thì hơn tỷ đồng. Và đây là số tiền không lớn, bởi lẽ, một phi công tự túc đi học trên thế giới có thể lên đến vài tỷ đồng, đó là chưa kể các chi phí sinh hoạt…
Lý giải thêm vấn đề tiền lương, tại buổi gặp gỡ, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, trong quỹ tiền lương thì hãng đã dành tới 39% để trả cho phi công. Từ 2008 đến nay hãng đã tái cơ cấu tiền lương vào bốn đợt. Đợt đầu tiên 2008 - 2010, công ty dành 51% tổng quỹ lương cải cách để trả thêm cho phi công. Đợt thứ hai dành tới 95% quỹ lương cải cách, đợt 3 dành 85% và đợt thứ 4 vào năm 2016 là 77%.
“Quỹ tiền lương chỉ tăng thêm khi công ty kinh doanh tốt. Vốn dĩ là công ty Nhà nước nên việc tăng quỹ tiền lương còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Hiền nói và cho biết Nghị quyết 2088 và quyết định số 10 của Tổng công ty đưa ra 4 cam kết cho giai đoạn 2016 - 2018 là thu nhập của phi công tại hãng đạt 70% thu nhập phi công nước ngoài. Luôn trả lương ổn định cho phi công và không phụ thuộc kết quả kinh doanh, đồng thời, thay đổi cơ chế tiền lương cho lao động phù hợp. Ngoài các cam kết trên, công ty cũng thường xuyên bổ sung thêm 0,5% tiền lương vào các năm. Năm nay, định hướng sẽ bổ sung 0,5% tháng tiền lương và 0,5 tháng tiền thưởng.
Trước đó, ngày 11/5, Vietnam Airlines cũng đã gửi báo cáo về việc 7 phi công của hãng xin thôi việc tới Cục Hàng không và đề nghị cục xem xét giải quyết theo đúng quy định để tránh gây thất thoát tài sản nhà nước.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ và đã giao các bộ phận chuyên môn nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ. Còn đại diện Cục Hàng không cũng thông tin, đã nắm được nội dung vụ việc và đang xác minh.
Trước đó, vào 2015, nhiều phi công hãng này cũng cáo ốm và xin thôi việc vì chê mức lương mà hãng chi trả thấp. Lúc đó, Bộ Giao thông đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Hàng không, Vietnam Airlines. Trong đó, Bộ yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác với lực lượng lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines. Với công văn này, phi công nào đang muốn xin chuyển từ Vietnam Airlines sang hãng khác sẽ tạm thời bị từ chối.
Vietnam Airlines tính toán mất khoảng 1,7 tỷ đồng để đào tạo nên một phi công cơ bản tại Học viện Hàng không ESMA (Pháp) trong khoảng thời gian 72 tuần. Trong khi đó, rất nhiều phi công của Vietnam Airlines được hãng cho đi học 3 - 4 năm. Ngoài các khoản chi phí đào tạo, giảng dạy thì chi phí ăn uống đi lại của học viên cũng khá tốn kém. Thông thường những chi phí này ít có hóa đơn hợp lệ. Hiện, trong 3 hãng hàng không Việt Nam thì chỉ có duy nhất Vietnam Airlines tốn nhiều chi phí đào tạo cho phi công. Các hãng còn lại đa phần tuyển phi công có trình độ tay nghề sẵn. Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT về khoản mục chấm dứt hợp đồng quy định: nhân viên có trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ bay tàu bay bảo dưỡng trước 120 ngày trước ngày dự kiến hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch khai thác hoạt động đảm bảo khai thác tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt. Còn Luật Lao động quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày. Theo các phi công, Thông tư trên đang làm trái luật lao động và thời gian 120 ngày là quá nhiều. |
Theo VNE