TTXVN đưa tin về phía Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - dẫn đầu đoàn tham dự.
Trong bối cảnh thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có thể diễn ra ngày 12-6 cũng tại quốc đảo sư tử đang lấn át các cuộc thảo luận quốc tế, Đối thoại Shangri-La lần này (kéo dài tới ngày 3-6) là cơ hội để giới chức quốc phòng tập trung vào sự tăng cường hiện diện hải quân của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.
Theo báo Straits Times, Đối thoại Shangri-La 2018 có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng mạnh nhất thế giới.
Giới chuyên gia trông chờ bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về "Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương", trong phiên thảo luận ngày 2-6 sẽ trả lời cho câu hỏi Mỹ sẽ tìm kiếm vai trò gì ở châu Á. Ông Tim Huxley - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức hội nghị - nói: "Đó là một câu hỏi lớn hiện nay trong lúc nổi lên chính sách nước Mỹ trên hết".
Trong khi đó, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Washington, ông Greg Poling, cho rằng ông Mattis cần phải cho thấy Mỹ có khả năng tập trung vào những thách thức khác, bao gồm Biển Đông và đe dọa của những áp bức kinh tế từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc dù cho Triều Tiên đang là mối lo ngại tức thời.
Giống như năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục cử các đại diện “nhẹ ký” tới Đối thoại Shangri-la 2018 Ảnh: STRAITS TIMES
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), các nguồn tin cho biết trong khi Mỹ được cho là sẽ nêu cao vấn đề Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, Bắc Kinh lựa một phái đoàn có phần "nhẹ ký" tới Đối thoại Shangri-La. Thay vì một nhà hoạch định chính sách quân sự, Trung Quốc chọn trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự.
Các chuyên gia cho rằng nước này muốn định hình diễn đàn đối thoại an ninh thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay thành một sự kiện trao đổi học thuật chứ không phải để tranh luận chính sách.
Cũng theo các nguồn tin, phái đoàn Trung Quốc còn có ông Chu Ba, Giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh thuộc Phòng Hợp tác quân sự quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ông Chu sẽ phát biểu tại phiên họp đặc biệt về hợp tác và cạnh tranh Trung - Ấn trước bài phát biểu khai mạc hội nghị của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về các xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Theo các nhà tổ chức sự kiện, bên cạnh vấn đề Biển Đông, không bất ngờ nếu Triều Tiên nổi lên như một chủ đề quan trọng nhất tại Đối thoại Shangri-La. Tuy nhiên, vấn đề nóng hổi này sẽ không thể phủ bóng các khủng hoảng cực kỳ quan trọng khác trong khu vực, như định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á, những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố…
Theo NLĐ