Cướp lộng hành ở TP.HCM, Phó Cục trưởng C47 nói "có phần trách nhiệm của công an"

Thứ tư, 30/05/2018, 16:09
Đó là khẳng định của đại tá Lê Thanh Liêm (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an) từng là thành viên đội SBC (săn bắt cướp Sài Gòn).

Đại tá Lê Thanh Liêm (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an). Ảnh: Chí Hữu

"Đừng để tội phạm cướp giật làm xấu TP"

Chỉ trong tháng 5.2018, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra các vụ cướp giật táo tợn như: Vụ hai kẻ trộm cướp táo tợn đâm tử vong 2 "hiệp sĩ" ở đường Cách Mạng Tháng 8, rồi vụ nhân viên Tổng Lãnh sự quán Nga tại TP.HCM bị cướp giật dây chuyền trên vỉa hè đường Bà Huyện Thanh Quan và mới đây là vụ  đối tượng cướp giật đâm trọng thương 2 người truy bắt ở quận Thủ Đức... Chưa khi nào tội phạm cướp giật lại khiến người Sài Gòn sợ hãi như hiện nay.

Sợ hãi bởi tệ nạn này gần như trở thành nỗi lo canh cánh trong cuộc sống của người dân TP.HCM. Sợ hãi bởi cướp giật hiện diện, rình rập khắp nơi. Và sợ hãi bởi cướp giật ngày càng manh động, táo tợn, máu lạnh, sẵn sàng "xử đẹp" nếu ai chống lại họ.

"Đến bao giờ, Sài Gòn mới trấn áp được các tội phạm cướp giật?", là câu hỏi được nhiều người dân đặt ra. Trả lời vấn đề này, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, trấn áp tội phạm phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các lực lượng, không đơn thuần ở người dân hay các "hiệp sĩ".

 

Nhân viên Tổng Lãnh sự quán Nga tại TP.HCM bị cướp giật dây chuyền.

Thành phố cần xem xét điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định liên quan để có thể xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cướp giật tài sản, sau đó còn hành hung, sát hại người truy đuổi. Về khía cạnh pháp luật, đây là vấn đề cần phải xem xét cụ thể nếu không tình trạng đó sẽ trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với mọi người trên đường phố

"Một thành phố văn minh, hiện đại, sống nghĩa tình không thể để tội phạm lộng hành như vậy được, điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển, tạo bất an cho người dân", ông Khuê nhấn mạnh.

Tập trung xây dựng mô hình SBC

Về vấn đề này, đại tá Lê Thanh Liêm (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an), từng là thành viên đội SBC (săn bắt cướp) chia sẻ, trước đây, đội SBC của TP đã sử dụng đội ngũ "hiệp sĩ" cùng tham gia săn bắt cướp. Họ dũng cảm, chạy xe rất tốt, sửa xe có nghề, có nhiều tố chất đặc biệt. Số này sau đó đi kèm với công an ra đường trấn áp tội phạm.

Các vụ việc điển hình của sự lộng hành, táo tợn của các đối tượng cướp giật vừa qua, cho thấy, có phần trách nhiệm của công an khi để xảy ra những sự việc không đáng có như vậy.

Hai đối tượng cướp giật ở Thủ Đức.

Hai đối tượng cướp giật ở Thủ Đức.

Đội SBC ra đời tháng 3.1978 trong bối cảnh tình hình tội phạm ở TP.HCM rất lộng hành.

Theo thống kê, cứ 40 phút lại xảy ra một vụ cướp. Từ năm 1975-1978, các băng cướp giết 170 người, 200 người bị thương.

"Theo tôi, cần tập trung xây dựng như SBC, nòng cốt phải tuyển chọn những người có tố chất", ông Liêm nói, đồng thời cho biết, để trấn áp tội phạm cướp giật không chỉ có ngành công an mà cần phải có sự phối hợp của người dân. Chúng ta có thể phối hợp với các đội "hiệp sĩ" Sài Gòn.

Ông Liêm cho rằng, trước đây, ở TP.HCM đã có lực lượng liên ngành để phòng tránh, đấu tranh tội phạm nhưng không gọi là 141. Có thể do mỗi đời giám đốc, thủ trưởng các cơ quan chưa duy trì hoặc đẩy mạnh thường xuyên nên mọi người không biết đến.

Theo LĐO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích