Tận dụng Mỹ sơ hở, Trung Quốc nuôi mộng bá chủ thế giới về công nghệ

Thứ hai, 04/06/2018, 09:04
Các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đang chuyển trọng tâm từ các hoạt động nghiên cứu trong nước sang mua lại công nghệ của nước ngoài. Những cơ chế giám sát các hoạt động đầu tư của Mỹ chưa hiệu quả và có thể dẫn tới rủi ro Trung Quốc “chiếm” các công nghệ chủ chốt và soán ngôi Mỹ.

Cơ chế giám sát không hiệu quả

Ảnh minh họa: RMB

Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) được thành lập từ năm 1975 với nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước khỏi sự nhòm ngó của nước ngoài. Trong 10 năm hoạt động đầu tiên, CFIUS tỏ ra không hiệu quả khi chỉ họp vỏn vẹn 10 lần.

Qua thời gian, cùng với những biến động của thực trạng nền kinh tế, từ việc chỉ giải quyết các vụ việc mua bán của hai công ty với sản phẩm hữu hình, giờ đây CFIUS phải đối với với những “thượng vụ” phức tạp hơn liên quan đến các sản phẩm công nghệ như phần mềm hay chất vi mạch.

Tuy nhiên, các nguồn lực của CFIUS không đủ để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ và phức tạp. Không có khoản ngân sách nào dành riêng cho CFIUS và số lượng nhân viên của ủy ban này không ổn định. Hiện có khoảng 20-30 nhân viên thuộc Bộ Tài chính Mỹ làm việc cho CFIUS, song quân số này vẫn khá mỏng.

Mặc dù vậy, trong thời gian 2009-2015, CFIUS đã điều tra hơn 30 vụ mua bán, sáp nhập có yếu tố nước ngoài, trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư Trung Quốc. Đến nay, các vụ việc liên quan đến Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn khối lượng công việc của CFIUS.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường bị cáo buộc là gián điệp công nghiệp. Bằng sử dụng những phương thức gián tiếp, Trung Quốc đã lấy được những bí mật quân sự và phần mềm của Mỹ. Một số doanh nhân Trung Quốc còn bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu công nghệ nhạy cảm của các doanh nghiệp Mỹ và chuyển về Bắc Kinh. Hết lần này đến lần các, các sản phẩm công nghệ cao và thiết bị sự được sản xuất tại Trung Quốc được cho là quá giống những sản phẩm tương tự ở Mỹ.

Khi điều tra được những chiêu trò của Trung Quốc, CFIUS đã tham mưu cho tổng thống ngăn chặn các thương vụ có sự dính líu của Bắc Kinh. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn một nhà đầu tư Trung Quốc mua lại công ty sản xuất chất bán dẫn Lattice của Mỹ.

Tuy nhiên theo giới chức an ninh Mỹ, CFIUS mới chỉ biết đến bề nổi tham vọng của Trung Quốc. Trên thực tế, việc mua bán hay sáp nhập các công ty Mỹ không phải là cách duy nhất để Trung Quốc có được các sản phẩm công nghệ chiến lược. Và điều này khiến quân đội Mỹ rất lo lắng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis bày tỏ lo ngại CFIUS đã “lỗi thời” và không thể ngăn chặn những âm mưu đầu tư từ nước ngoài.

Thương vụ bí ẩn

Ảnh minh họa: YIM

ATop Tech là một công ty sản xuất chất bán dẫn chiếm thị phần trị giá 1 tỉ USD trong ngành thiết kế điện tử tự động hóa. ATop Tech nộp đơn xin phá sản lên một tòa án Mỹ và mong muốn có một nhà đầu tư giúp đỡ.

Trong số các nhà đầu tư có công ty Avatar Integrated Systems - một cái tên rất lạ trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn. Giám đốc của công ty này là một doanh nhân tên Jingyuan Han ở Hong Kong. Ông Han được biết đến là một trong những doanh nhân giàu có nhất của Trung Quốc, một ông trùm trong ngành sắt và thép.

Bất chấp việc có nhiều nghi ngờ về Avatar Integrated Systems, công ty này vẫn mua được ATop Tech. Thậm chí, cựu quan chức Lầu Năm góc Joseph Benkert còn cho rằng chính phủ Trung Quốc dường như đã đứng sau vụ mua bán này. Ông cũng cảnh báo thương vụ này có thể tiềm ẩn những rủi ro đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Theo ông Joseph Benkert, các cơ quan chức năng Mỹ cần xem xét kĩ lưỡng hơn vụ việc này, mà cụ thể là CFIUS cần vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, CFIUS không có động thái nào và từ chối bình luận về vụ việc.

Một số nguồn thạo tin cho biết đôi khi CFIUS bỏ sót các thương vụ mua bán, sáp nhập tương tự trường hợp ATop-Avatar, bởi rất khó phân biệt các nhà đầu tư Trung Quốc liên quan tới chính phủ hay không.

Trước đây, Lầu Năm Góc từng thuê một công ty chuyên kiểm tra, giám sát các giao dịch không được báo cáo mà cơ quan này cho là gây nguy hại tới an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên giới chức Mỹ cho rằng công việc này cần phải được thực hiện theo một cách có hệ thống hơn.

Quốc hội đang xem xét một dự luật tăng cường năng lực của CFIU, giúp siết chặt hơn việc giám sát các giao dịch mua bán, sáp nhập có liên quan tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp cận Thung lũng Silicon

Ảnh minh họa: NPR

Thung lũng Silicon được coi là cái nôi công nghệ của nước Mỹ. Ở đây, sự đầu tư của Trung Quốc được coi là một điều may mắn hơn là mối đe dọa.

Chris Nicholson, đồng sáng lập Skymind - một công ty trí tuệ nhân tạo, đã dành nhiều thời gian để kêu gọi vốn đầu tư. Nicholson không chủ động xin vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc nhưng Tencent - một ông lớn trong ngành viễn thông Trung Quốc - đã đầu tư 200.000 USD cho Skymind. Nhờ có khoản tiền này, Skymind đã lớn mạnh và trở thành một trong những công ty khởi nghiệp thành công ở Thung lũng Silicon. Những nhà đầu tư Mỹ từng từ chối Skymind nay lại thay đổi ý định và quyết định rót tiền vào công ty này.

Nicholson khẳng định rằng việc sử dụng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh có thể tiếp cận các quy trình mã hóa của Skymind. Tuy nhiên, ông Bryan Ware, CEO của Haystax Technology, cho rằng bất cứ sự đầu tư nào cũng đi kèm với nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ hoặc bị kiểm soát/ ảnh hưởng bởi nước ngoài.

Tại Thung lũng Silicon, có rất nhiều thỏa thuận được thực hiện nhưng không rõ đó đơn thuần là đầu tư hay là một sự thâu tóm hoàn toàn. Có ý kiến lo ngại rằng giới chức Bắc Kinh có thể lợi dụng việc đầu tư trong lĩnh vực công nghệ để nắm bắt những phần mềm mà Bộ Quốc phòng hay chính quyền liên bang Mỹ có thể sẽ sử dụng trong tương lai. Điều này cũng có thể mở ra cánh cửa giúp Trung Quốc tiếp cận những thông tin mật của Mỹ.

Vẫn có nhiều thương vụ đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ không liên quan trực tiếp đến chính phủ Bắc Kinh, nhưng rất khó để phân biệt.

Các chuyên gia kinh tế và an ninh cho biết họ không chắc chắn về những thiệt hại về tài chính và những nguy cơ an ninh mà Mỹ phải gánh chịu khi nhận những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon thì cho rằng Mỹ thực sự cần tiền từ Trung Quốc để duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành công nghệ toàn cầu.

Tại Washington, Quốc hội Mỹ đang xem xét thông qua dự luật siết chặt việc kiểm soát đầu tư nước ngoài vào các công ty công nghệ trong nước. Theo đó, CFIUS sẽ xây dựng một hệ thống giám sát các giao dịch đầu tư nước ngoài. CFIUS sẽ được phép thu phí 1% giá trị giao dịch, tối đa 300.000 USD đối với mỗi vụ việc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon lại tỏ ra không đồng tình với việc làm này. Họ cho rằng việc siết chặt kiểm soát chỉ khiến những nghiên cứu công nghệ chiến lược chảy ra nước ngoài. Phó chủ tịch công ty IBM, ông Christopher Padilla, cảnh báo rằng dự luật trên sẽ gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế, liên quan đến những rào cản thương mại mà nước Mỹ tự đặt ra.

Một số tổ chức công nghiệp thì cho rằng dự luật nên đặt ra giới hạn những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng, nhằm tránh tình trạng mọi giao dịch đều bị kiểm soát, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Hồi tuần trước, các nhà lập pháp Mỹ đã xem xét những quan ngại của các doanh nghiệp và nhất trí thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của dự luật trên.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn