Trong báo cáo gửi Thường trực Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết, lực lượng chức năng đã nhiều lần xử lý các nhà hàng có tiếp viên nữ phục vụ khách, nhất là ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, dù bị xử phạt nhiều lần nhưng các cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động, vi phạm.
Việc này là do pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa chặt chẽ, chưa đủ mạnh.
Bị phạt 33 lần vẫn thác loạn
Các nhà hàng đều vi phạm về các lỗi: kinh doanh karaoke không phép, số lượng nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke vượt quy định, dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm…
Trong đó, nhà hàng D.Max trên đường Tôn Thất Tùng (quận 1) bị kiểm tra 33 lượt, xử phạt hơn một tỷ đồng. Nhà hàng Sun Flower 9 trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) bị lập biên bản 6 lần với số tiền phạt gần 200 triệu.
Nhà hàng 166 trên đường Nguyễn Biểu (Dách Lục Lục, quận 5) bị kiểm tra 12 lượt, phạt hơn 265 triệu đồng; nhà hàng 236 Lê Hồng Phong (quận 5) kiểm tra 10 lượt, phạt gần 168 triệu đồng...
Nhà hàng D.Max trên đường Tôn Thất Tùng được xem là tụ điểm thác loạn bậc nhất Sài Gòn. |
Luật không cho phép đóng cửa
Theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (đang được áp dụng), TP.HCM không thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thể đóng cửa các nhà hàng thác loạn.
Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, không còn tội Kinh doanh trái phép nên cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự các cơ sở kinh doanh không phép.
Ngoài ra, theo Quyết định số 33/2015 của UBND thành phố, liên ngành khi kiểm tra phải trình quyết định và có sự chứng kiến của cơ sở; khi bị phản ứng phải nhờ công an phường mới kiểm tra được. Như vậy, lực lượng chức năng không thể bắt quả tang để xử lý các hành vi mại dâm, sử dụng ma túy, nhảy múa thoát y...
Đây là những nguyên nhân khiến các nhà hàng "biến tướng", câu kéo khách bằng những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục gây bức xúc dư luận.
Chủ tịch UBND, Trưởng công an phường chịu trách nhiệm
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong khi chờ các bộ ngành trung ương tháo gỡ vướng mắc, Công an thành phố sẽ liên tục kiểm tra các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, phối hợp với VKS xem xét khởi tố các hành vi liên quan ma túy, cờ bạc, mại dâm...
Thành phố cũng giao chủ tịch, trưởng công an phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tệ nạn tại các cơ sở trên địa bàn.
Đối với lãnh đạo quận 1 và 5 (nơi có nhiều nhà hàng vi phạm nhất), bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu báo cáo với Quận ủy để kiểm điểm lãnh đạo các phường, kể cả trách nhiệm của công an, cán bộ phụ trách lĩnh vực nhằm ngăn ngừa việc bảo kê, bao che...
TP.HCM là địa phương có nhiều nhà hàng, karaoke, quán ăn và các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự... nhất nước. Trong gần 1.300 cơ sở có 172 vũ trường, bar, beer club; 478 quán karaoke; 618 điểm thu âm trên nền nhạc
Các hành vi khiêu dâm, kích dục, mại dâm tại chỗ ở những nơi này đang có biểu hiện gia tăng, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng. Phổ biến nhất là tại nhà hàng có tiếp viên nữ ăn mặc hở hang, cà phê đèn mờ, cơ sở y học cổ truyền day ấn huyệt, spa chăm sóc sắc đẹp… Cá biệt, một số spa biến tướng có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính nam.
Theo VNE