|
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phóng viên ở Nhà Trắng ngày 15/6. Ảnh: AP. |
Vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rục rịch chuẩn bị để tiếp cận trở lại với Nga, theo Washington Post.
Tổng thống Trump dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới khi ông tới châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quan chức cấp cao chính quyền và hai nhà ngoại giao am hiểu vấn đề cho hay. Như để mở đường cho kế hoạch này, hôm 15/6, Trump nói trước các phóng viên rằng "có khả năng" ông sẽ gặp Tổng thống Nga vào mùa hè.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đang sắp xếp cho chuyến thăm Moskva của một phái đoàn thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Động thái thúc đẩy tái kết nối với Điện Kremlin diễn ra trong bối cảnh các cố vấn chính trị cho Tổng thống Mỹ cũng như giới ngoại giao vẫn phân vân về việc liệu một cuộc gặp lãnh đạo Nga sẽ mang đến giá trị gì và nó có gây ảnh hưởng tới hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels sắp tới hay không.
"Từ quan điểm của Trump, ông ấy đã có một cuộc gặp thành công với Kim Jong-un và giờ đây, ông ấy muốn tiếp tục làm điều tương tự với Putin", Angela Stent, chuyên gia về Nga từng làm việc dưới chính quyền George W. Bush, nhận xét. "Các cố vấn cho Trump đã tỏ ra hoài nghi ngay từ đầu".
Hội nghị thượng đỉnh
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện bên lề Hội nghị APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Những dấu hiệu đầu tiên về các kết nối giữa chính quyền Trump với Nga xuất hiện từ hồi tháng ba với việc Điện Kremlin công bố rằng Tổng thống Mỹ đã gửi lời mời gặp mặt Tổng thống Nga qua điện thoại. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho biết, thực tế, Trump đã kín đáo hỏi các cố vấn về khả năng gặp song phương với Tổng thống Nga từ tháng 11 năm ngoái sau khi gặp Putin ở Việt Nam bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
"Sau cuộc gặp đó, Tổng thống nói ông muốn mời Putin tới Nhà Trắng", một quan chức Mỹ giấu tên cho hay. "Chúng tôi phớt lờ nó".
Lúc bấy giờ, các cố vấn hàng đầu ở Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ kịch liệt phản đối việc tổ chức cuộc gặp. "Họ quyết định chờ đợi và xem liệu Tổng thống có nêu lại ý tưởng đó hay không", quan chức trên tiết lộ.
Putin và Trump từng gặp nhau bên lề các hội nghị quốc tế nhưng chưa từng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương kể từ thời điểm mối quan hệ Nga - Mỹ xấu đi và rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử sau cuộc khủng hoảng Ukraine hồi năm 2014. Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Nga can thiệp khiến tình hình Ukraine trở nên trầm trọng nhưng Moskva bác bỏ.
Theo giới phân tích, mong muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga của Tổng thống Trump dường như bắt nguồn từ suy nghĩ rằng cùng nhau, hai người có thể giải quyết những vấn đề địa chính trị lớn ở Trung Đông và châu Âu.
Trước câu hỏi về cơ hội diễn ra một hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, cho hay "chúng tôi không loại bỏ" khả năng này nhưng các chi tiết cụ thể vẫn chưa được thảo luận, APđưa tin.
Hôm 14/6, quan chức cấp cao Nhà Trắng phụ trách về châu Âu Richard Hooker nói với hãng thông tấn Tass của Nga rằng chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc ý tưởng tổ chức một cuộc gặp ở Áo. Hooker đồng thời ca ngợi mối quan hệ gần gũi giữa Washington và Moskva.
Hồi tuần trước, Trump tuyên bố muốn Nga trở lại Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển G7 để cùng xử lý các vấn đề thế giới. Hôm qua, ông tiếp tục lặp lại ý tưởng trên. "Tôi nghĩ có Nga thì hay hơn là loại họ ra. Bởi giống như Triều Tiên hoặc bất kỳ nước nào khác, hòa hợp với họ luôn là điều tốt hơn", Trump nói.
|
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6. Ảnh: AFP. |
Trước đây, Nga từng tham gia G7. Lúc bấy giờ, nhóm được gọi là G8. Tuy nhiên, các lãnh đạo G7 năm 2014 quyết định tẩy chay Nga trong bối cảnh phương Tây cáo buộc Moskva gây ra bất ổn tại Ukraine và việc nước này sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.
Các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận một cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga - Mỹ về lý thuyết có thể giúp giải quyết những bất đồng kéo dài bấy lâu nay như vấn đề Ukraine, Syria, an ninh mạng hay nghi vấn Moskva can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Nhưng một số người cho rằng tổ chức nó vào lúc này là quá sớm.
"Không nghi ngờ gì về việc đôi bên mong muốn hiện thực hóa hội nghị thượng đỉnh nhưng nó không thể được hiện thực hóa chỉ trong phút chốc", một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá. "Còn rất nhiều việc phải làm trước đã", ông nhấn mạnh.
Stent cho rằng một cuộc gặp giữa Putin và Trump có thể mang lại lợi ích, song lưu ý nó tiềm ẩn nguy cơ tạo ra bầu không khí căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh của NATO. "Ít nhất, nó cũng giúp chúng ta tăng cường liên lạc. Thật nguy hiểm khi chúng ta có quá ít liên lạc, đặc biệt trên chiến trường Syria", Stent nhận xét.
Dù vậy, Stent vẫn nghi ngờ về những tiến bộ thực chất từ hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin. "Hai lãnh đạo sẽ bước ra khỏi phòng hội nghị, tuyên bố rằng chúng tôi đã thống nhất hợp tác về vấn đề Syria, chống khủng bố và Ukraine", bà nói. "Nhưng thế không có nghĩa chúng sẽ xảy ra mà chỉ là họ đồng ý với nhau như vậy mà thôi".
Tích cực kết nối
Đại sứ Mỹ tại Nga Huntsman là một trong số ít các quan chức chính quyền Trump tích cực ủng hộ việc kết nối với Moskva. Ông đang lên kế hoạch cho chuyến thăm Moskva của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm Richard C. Shelby của Alabama, John Neely Kennedy của Louisiana và John Hoeven của Bắc Dakota.
Huntsman "muốn các thượng nghị sĩ đến Nga để hiểu chuyện gì đang diễn ra", Hoeven nói với Washington Post. "Chúng tôi đang thảo luận các chi tiết".
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao từ chối tiết lộ lý do của chuyến đi nhưng khẳng định Đại sứ Huntsman "ủng hộ mạnh mẽ việc đối thoại với giới chức Nga".
Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Huntsman muốn thuyết phục người Nga tin rằng ngay cả những nhà lập pháp cứng rắn nhất cũng sẵn sàng cải thiện mối quan hệ với Nga nếu Moskva thể hiện thiện chí. Tuy nhiên, tổ chức những chuyến thăm như vậy là điều khá khó khăn.
Hồi tháng 12 năm ngoái, hai nghị sĩ Cộng hòa đã phải hủy chuyến đi tới Nga sau khi Moskva không chấp thuận cấp thị thực cho Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen, một tiếng nói chỉ trích Nga gay gắt.
Thượng nghị sĩ Kennedy cho biết ông tin chuyến đi sẽ giúp các nhà lập pháp hiểu bằng cách nào Mỹ có thể "xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga".
Theo VNE