Người dân Canada đang nói không với những hàng hóa, công ty đến từ Mỹ, như rượu, cam, Starbuks, Walmart, McDonald's... Trên mạng xã hội Twitter cũng xuất hiện lời kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ và mua hàng Canada để phản đối chính sách thuế của ông Trump.
Ngoài ra, một số người Canada cho biết sẽ đi nghỉ trong nước thay vì đến Mỹ. Có người còn kêu gọi "người Mỹ yêu nước" đến Canada nghỉ dưỡng hoặc tăng cường mua hàng hóa của nước này.
Bản thân ông Trudeau cũng ghi nhận sự ủng hộ của người dân dành cho mình sau cuộc đấu khẩu với ông chủ Nhà Trắng về vấn đề thuế quan.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 8-6. Ảnh: Reuters |
Nước sốt cà chua mang thương hiệu Heinz (Mỹ) tại một cửa hàng ở Leamington- Canada.Ảnh: macleans.ca |
Căng thẳng trong quan hệ hai nước nổ ra sau khi ông Trump thông báo đánh thuế lên sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ các nước, trong đó có Canada.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần rồi, ông Trudeau gọi biện pháp đánh thuế của Mỹ là "sự lăng mạ" đối với Canada. Ông Trump sau đó chỉ trích nhà lãnh đạo Canada là "rất không thành thật và yếu đuối", dẫn đến cuộc bỏ phiếu lên án chính quyền ông Trump tại Hạ viện Canada đầu tuần này.
Liên quan đến vụ tranh cãi trên, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho biết không loại trừ khả năng áp đặt những biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào Tập đoàn Trump Organization của ông Trump, thay vì người dân Mỹ.
Bà Freeland cho biết chính quyền ông Trudeau đang trong quá trình tham vấn và hoan nghênh mọi ý tưởng của người dân về việc nên đưa gì vào danh sánh trừng phạt trả đũa. Trước đó, Canada cam kết sẽ đánh thuế lên số hàng hóa Mỹ trị giá 12,8 tỉ USD, trong đó có thép, nhôm, nước cam...
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland không loại trừ khả năng trừng phạt Tập đoàn Trump Organization. Ảnh: AP |
Chưa hết, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét biện pháp trả đũa hành động đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ. Hôm 14-6, các nước EU tán thành kế hoạch đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu Mỹ trị giá 3,3 tỉ USD.
Một nguồn tin của Ủy ban châu Âu cho biết kế hoạch này sẽ được thực thi trong những ngày tới, ảnh hưởng đến những sản phẩm như xe mô tô, rượu whiskey, quần jean...Không đứng ngoài cuộc,
Mexico thông báo sẽ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu Mỹ, nhằm vào những sản phẩm như thịt heo, trái cây, phó mát...
Những biện pháp trả đũa qua lại nói trên, nếu diễn ra, là điều khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo ngại trong báo cáo mới của mình hôm 14-6.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 9-6. Ảnh: Reuters |
IMF cảnh báo rằng những biện pháp thuế quan của Mỹ có thể cản trở sự hồi phục của kinh tế thế giới hiện nay bằng cách khơi mào những động thái trả đũa qua lại và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng dù rất khó tính toán được tác động kinh tế trực tiếp của các biện pháp thuế quan nhưng bất kỳ cuộc xung đột thương mại nào cũng có thể làm xói mòn niềm tin và khiến doanh nghiệp giảm bớt đầu tư.
Bà Lagarde cũng khuyến khích Mỹ làm việc với các đối tác thương mại để giải quyết bất đồng và tránh áp đặt thuế quan.
Theo NLĐ