|
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay khi gặp nhau tại Singapore (Ảnh: Reuters) |
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6, nhiều người đặt nghi vấn về kết quả của cuộc gặp lịch sử này. Họ cho rằng tuyên bố chung do hai nhà lãnh đạo ký kết tại hội nghị có lợi cho Triều Tiên nhiều hơn vì có rất ít thông tin chi tiết về việc bảo đảm cam kết phi hạt nhân hóa của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, Giáo sư William Brown tại Trường Đối ngoại Georgetown vẫn đánh giá tốt kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mặc dù còn một số điểm chưa hoàn thiện, song Giáo sư Brown vẫn nhận thấy sự tiến bộ rõ ràng từ kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này so với các thỏa thuận trước đó.
“Đã có sự cải thiện quan trọng so với những gì mà chúng ta nhìn thấy trước đó, đặc biệt là những cam kết cụ thể như dừng các cuộc tập trận trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán tích cực hay không dỡ bỏ lệnh trừng phạt (Triều Tiên) cho tới khi đạt được sự tiến triển “, ông Brown nói trong cuộc phỏng vấn sau hội nghị thượng đỉnh.
“Không giống các thỏa thuận trước đây, Mỹ lần này không hứa hẹn về viện trợ hay thậm chí giảm sức ép về kinh tế, do vậy nếu Triều Tiên muốn đạt được thành công, quả bóng đang nằm trên sân của họ”, ông Brown nhận định thêm.
Theo Giáo sư Brown, trong các thỏa thuận trước đây với Triều Tiên, Mỹ luôn đưa ra đề xuất về những khoản viện trợ khổng lồ và sẵn sàng trao những khoản viện trợ này cho Bình Nhưỡng ngay cả khi chưa đạt được bất kỳ sự tiến triển nào. Ông cũng cho rằng việc “các chuyên gia” Mỹ lấy các thỏa thuận trước đây làm khuôn mẫu cho tiến trình phi hạt nhân hóa trong tương lai với Triều Tiên là ý tưởng “lố bịch”.
“Nếu muốn đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào, những thông lệ trước đây đều không hiệu quả. Chúng ta nên học từ những sai lầm của chúng ta, chứ không nên lặp lại những sai lầm đó”, ông Brown nói.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump không đề cập tới việc “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên trong tuyên bố gần đây, song Giáo sư Brown cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn luôn chuẩn bị sẵn phương án dự phòng này.
“Nếu Triều Tiên không đi theo con đường này, họ sẽ không giành được bất kỳ điều gì ngoài sức ép tiếp theo về kinh tế và đến một mức nào đó, (Mỹ) có thể quay trở lại với việc gây sức ép tối đa”, ông Brown nói.
Tín hiệu tích cực
|
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters) |
Theo Giáo sư tại Trường Đối ngoại Georgetown, một điểm tích cực của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này là cả hai bên rốt cuộc đều chấm dứt “chu kỳ khiêu khích”, trong đó Bình Nhưỡng ban đầu khiêu khích, sau đó xuống thang, nhận những “món quà” vì sự xuống thang đó và tiếp tục khiêu khích trở lại để nhận thêm những “phần thưởng” khác.
“Tại Singapore, ông ấy (Kim Jong-un) không nhận được những món quà và ít nhất ở thời điểm hiện tại, rất khó để ông ấy nghĩ đến việc sẽ trở về nhà và tiến hành thêm các vụ thử tên lửa cũng như hạt nhân”, Korea Times dẫn lời ông Brown nhận định.
Là cựu sĩ quan tình báo Mỹ, ông Brown cho rằng thượng đỉnh Trump - Kim là bước khởi đầu khiêm tốn và vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Cam kết của Triều Tiên mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên một hành trình dài và sự thành công đòi hỏi nỗ lực hợp tác của nhiều bên gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Giáo sư Brown đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã giúp giữ nhịp tiến triển trong tình hình bán đảo Triều Tiên từ đầu năm tới nay, song hai bên hiện vẫn ở vạch xuất phát chứ chưa tới đích cuối cùng.
Giáo sư Brown nhấn mạnh Mỹ và Triều Tiên cần nhanh chóng thống nhất các cam kết chi tiết và vạch ra lộ trình cho các cuộc đàm phán và các cuộc gặp tiếp theo. Theo quan điểm của ông Brown, một trong những điều đầu tiên Triều Tiên cần làm để chứng minh sự chân thành của nước này là dừng sản xuất nhiên liệu phân hạch. Tuy nhiên, do một số cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là bí mật nên việc dừng sản xuất nhiên liệu là quy trình rất phức tạp và chính quyền Bình Nhưỡng có lẽ cũng chưa sẵn sàng để công khai thảo luận về việc này.
“Nếu bạn đào một cái hố và bạn quyết định lấp cái hố đó đi, bước đầu tiên cần phải làm là dừng đào hố. Nếu Triều Tiên dừng việc đó lại (sản xuất nhiên liệu hạt nhân), đó sẽ là bước đột phá. Khi các cơ sở hạt nhân được phá hủy, tôi tin rằng cam kết nới lỏng trừng phạt (từ Mỹ) sẽ được bảo đảm”, ông Brown nói thêm.
“Chỉ khi Triều Tiên có thể trở thành một quốc gia bình thường, nước này mới dần dần hòa nhập với Hàn Quốc và nền kinh tế thế giới”, ông Brown nhận định.
Nhận định về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, chuyên gia Scott Snyder, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thay đổi quỹ đạo của quan hệ song phương từ đối đầu sang hợp tác, từ đó mang lại hình ảnh hòa dịu mà các bên chờ đợi từ lâu. Cuộc gặp này đã giúp giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và giảm nguy cơ xung đột quân sự trong tương lai gần.
Theo Jimm Steinberg, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều là “cuộc đối thoại vui vẻ”. Khi hai nhà lãnh đạo đã hòa hợp và tin tưởng lẫn nhau, họ sẽ chỉ đạo cho các trợ lý bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán để thống nhất các chi tiết quan trọng, bao gồm thời điểm và cách thức Triều Tiên sẽ xóa sổ kho vũ khí hạt nhân cũng như việc Mỹ sẽ bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế Triều Tiên như thế nào.
Theo Dân Trí