Tổ chức nghiên cứu của chính phủ Ấn Độ, Niti Aayog, dẫn số liệu từ 24/29 bang cho biết cuộc khủng hoảng nước sẽ ngày càng nghiêm trọng trong những năm tới, với khoảng 200.000 người chết mỗi năm vì không có nước sạch.
Niti Aayog cũng cảnh báo ít nhất 21 thành phố có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm vào năm 2020, qua đó đe dọa an ninh lương thực vì 80% lượng nước ngầm được sử dụng cho nông nghiệp. Tính chung, tình trạng khan hiếm nước sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ giảm 6%.
Người dân Ấn Độ chờ lấy nước từ giếng Ảnh: REUTERS
Các thành phố, thị trấn của Ấn Độ thường xuyên cạn kiệt nước trong mùa hè vì thiếu cơ sở hạ tầng để dẫn nước máy đến mọi ngôi nhà. Tình trạng thiếu nước sạch cũng hoành hành tại các khu vực nông thôn. Nhiều người dân chỉ biết dựa vào nguồn nước của tư nhân hoặc xe bồn chở nước được chính quyền tài trợ.
Khi thành phố và thị trấn mọc lên nhiều hơn, áp lực đối với tài nguyên nước dự kiến tiếp tục tăng. Báo cáo của Niti Aayog ước tính nhu cầu sẽ cao gấp đôi nguồn cung sẵn có vào năm 2030.
Không chỉ Ấn Độ bị đe dọa, thiếu nước có thể là thách thức môi trường chính trong thế kỷ này, theo cảnh báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ.
Những dữ liệu mới thu thập được cho thấy thế giới hiện có 19 điểm nóng về việc sử dụng quá mức nguồn nước, trong đó có những khu vực ở miền Bắc và Đông Ấn Độ, Trung Đông, bang California - Mỹ và Úc. Nếu các chính phủ không hành động mạnh mẽ, tình hình tại những điểm nóng này có thể tồi tệ hơn.
Theo NLĐ