Mỹ-Hàn có thể “hoãn tập trận”

Thứ hai, 18/06/2018, 10:26
Hàn Quốc và Mỹ được trông đợi sẽ thông báo hoãn tập trận “quy mô lớn” trong tuần này, với điều kiện rằng nó sẽ được tái khởi động nếu CHDCND Triều Tiên không giữ lời hứa phi hạt nhân hóa.

Lính Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Max Thunder hồi tháng Năm vừa qua. Ảnh: Reuters.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn một nguồn tin ẩn danh từ chính phủ nước này cho biết hôm qua, rằng việc hoãn tập trận rất có thể sẽ chỉ ảnh hưởng đến những cuộc tập trận quân sự lớn chứ không tác động đến những hoạt động tập luyện quân sự thông thường.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến mọi người ngạc nhiên, kể cả các quan chức ở Washington và Seoul khi ông tuyên bố sẽ kết thúc tập trận chung với Hàn Quốc, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tuần trước.

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc nói chưa nhận được chỉ thị nào về việc dừng bất cứ cuộc tập trận nào, và các quan chức Hàn Quốc nói họ đang tìm hiểu nội hàm các tuyên bố của ông Trump về chuyện ngừng tập trận.

Tuy nhiên, theo Reuters, trong một chỉ dấu cho thấy có khả năng Seoul để ngỏ khả năng hủy tập trận, hôm thứ Năm vừa rồi, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói chính phủ của ông cần ứng biến linh hoạt khi áp dụng sức ép quân sự đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thành thực về chuyện phi hạt nhân hóa.

Một chiếc F-22 Raptor của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Ông Moon nói Hàn Quốc sẽ cân nhắc cẩn thận về việc có tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ hay không. Ông cũng yêu cầu thuộc cấp phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ về chuyện này, Reuters trích thuật các nhân viên dưới quyền Tổng thống Moon cho hay.

Hôm qua, hãng tin Yonhap cũng tường thuật rằng trong các cuộc đàm phán quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm thứ Năm vừa rồi, các quan chức đến từ Seoul đã yêu cầu những người đồng cấp miền Bắc lùi hệ thống pháo về phía sau 30-40km tính từ giới tuyến tạm thời của hai miền Triều Tiên, nơi được bố trí hỏa lực dày đặc. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phủ nhận chuyện đã đưa ra đề nghị như vậy.

Cuộc hội đàm quân sự đầu tiên trong hơn một thập kỷ này được tổ chức tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự (DMZ) trên biên giới giữa hai miền Triều Tiên. Trước sự kiện này, hồi tháng Tư, tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều, lãnh đạo hai bên đã thống nhất tháo ngòi căng thẳng và dừng “mọi hành động gây hấn”. Tuy nhiên theo các quan chức đôi bên, hai miền Triều Tiên đã không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào qua các vòng đàm phán.

Triều Tiên đề nghị Hàn Quốc giải trừ quân bị, theo dạng thử nghiệm, tại Khu vực An ninh chung ở Bàn Môn Điếm, nơi duy nhất tại DMZ binh lính hai bên mặt đối mặt, Reuters dẫn nguồn tin từ Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) cho biết hôm thứ Sáu vừa rồi.

Tính đến thời điểm này, vẫn còn 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Đây là “di sản” từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, tạm kết thúc vào năm 1953.

Trong buổi điều trần tại Thượng viện hôm thứ Năm vừa rồi, nhân vật được Tổng thống Trump đề cử vào chức vụ đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, đô đốc hải quân đã nghỉ hưu Harry Harris, ủng hộ ý tưởng “tạm dừng” các cuộc tập trận chủ chốt. Ông Harris nói ý tưởng của ông là sẽ chỉ đình lại những cuộc tập trận lớn, các hoạt động huấn luyện thông thường của binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục, cho dù quyết định cuối cùng thuộc về Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hằng năm, Mỹ và Hàn Quốc có các cuộc tập trận định kỳ luôn gây chú ý với thế giới và đặc biệt là từ phía Triều Tiên. Hai cuộc tập trận có tên Foal Eagle và Max Thunder đã diễn ra trong tháng Năm. Cuộc tập trận kế tiếp, Ulchi Freedom Guardian, theo kế hoạch sẽ diễn ra tháng Tám tới.

Năm ngoái, 17.500 quân Mỹ và hơn 50.000 quân Hàn Quốc đã tham gia tập trận Ulchi Freedom Guardian, mặc dù cuộc tập dượt binh lực này tập trung nhiều hơn cho các tình huống giả định được máy tính mô phỏng, hơn là các hoạt động sử dụng vũ khí, xe tăng hay máy bay.

Trong các cuộc đàm phán quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm thứ Năm vừa rồi, các quan chức đến từ Seoul đã yêu cầu những người đồng cấp miền Bắc lùi hệ thống pháo về phía sau 30-40km tính từ giới tuyến tạm thời của hai miền Triều Tiên, nơi được bố trí hỏa lực dày đặc. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phủ nhận chuyện đã đưa ra đề nghị như vậy.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn