|
Cổng chính chùa Ông Mẹt |
Vì vậy nơi nào có xóm làng là có đình, chùa, miếu. Ngoài nét kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa vùng miền, ở đây còn lưu truyền những câu chuyện, những giai thoại chứa đựng nhiều điều kỳ bí, hàm chứa cả đức tin và cách giải thích lịch sử của dân gian.
Chùa Bodhisàlaraja, còn gọi là chùa Kompong hay chùa Ông Mẹt, tọa lạc ngay trung tâm TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất ở Trà Vinh của người Khmer theo Phật giáo Nam tông còn nguyên vẹn kiểu dáng kiến trúc độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tượng Phật thỉnh dưới ao
|
Trong khuôn viên rộng gần 13.000m2, chánh điện chùa Ông Mẹt được xây trên nền tam cấp bằng đá xanh, có hàng rào bao quanh. Trên đầu các cột rào trang trí đầu thần bốn mặt Bhramma. Bốn góc phía trong rào là các tháp Kote nơi an nghỉ của các vị sư cả tiền bối. Mái trên cùng hình tháp dốc xuống hai mái dưới. Giữa các cấp mái có rèm che bằng gỗ, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Nóc chánh điện được lợp ba lớp ngói vảy rồng ba màu vàng, xanh và lưu ly. Ông Thone, 73 tuổi, là người tu học ở chùa từ thời niên thiếu, cho biết mái ngói lợp chùa, các sư phải mua từ Thái Lan chuyển về.
Các góc mái chùa dựng hình tượng đuôi rồng cao vút uốn lượn, tượng trưng thần Nagar. Trên các đầu cột hiên chùa đều trang trí tượng làm từ chất liệu xi măng như tượng nữ thần Kaynor, tượng Krud mình người đầu chim ở đầu cột các góc giang đôi cánh đỡ lấy mái chùa, góp phần làm tăng vẻ đẹp và sự uy nghi. Theo lời kể của ông Thone thì lịch sử chùa có hai giai đoạn. Xưa ở phum Kompong Ao có một cái am dành cho các sư tu tập và hành lễ. Sau đó thì chùa được dời về địa điểm hiện nay. Chỗ này xưa là một bến nước, xuồng ghe đi các nơi như Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần…
Mặt trước chánh điện chùa ông Mẹt |
Truyền thuyết kể rằng ngày xưa dưới bến là một cái ao rộng tiếp giáp với sông lớn. Một hôm trong ao xuất hiện một tượng Phật bằng gỗ cây sala không biết từ đâu trôi dạt tới. Người dân xúm lại định khiêng tượng lên bờ nhưng không sao nhấc nổi. Vào một đêm nọ, khi sư cả tên là Lôc Cru Meas, người Việt kêu trại là ông Mẹt ngồi thiền bỗng thấy có một vị thánh tăng hiện lên mách bảo, nếu muốn vớt tượng Phật ấy lên bờ thì phải dùng 7 sợi chỉ cột vào tượng mới thỉnh lên được.
Theo lời mách bảo, các vị sư bàn bạc, chọn ngày lành tháng tốt tổ chức cầu nguyện làm lễ vớt tượng, nhưng cuối cùng tượng Phật ấy chỉ di chuyển được khoảng 100 thước từ ao lên thì cả 7 sợi chỉ đều bị đứt. Sư cả Meas cho rằng đây là điềm linh đã định nên bàn với các sư sãi dời cái am cũ từ phum Kompong Ao về đây xây dựng chùa.
Sau khi xây dựng xong, chùa được đổi tên thành Bodhisàlaraja. Theo giải thích của ông Thone: “Bodhisàlaraja đọc từ chữ Pothi Sala Reach. Pothi là cây bồ đề, còn Sala Reach là cây sala, người Việt gọi là cây long thọ. Xưa ở bến nước trước cổng chùa có cây bồ đề cổ thụ, tồn tại đến năm 1995 mới bị đốn đi. Tên chùa được ghép tên cây bồ đề và cây sala, do tượng Phật của người Khmer theo hệ phái Nam tông làm bằng gỗ sala”.
Riêng cái ao sau khi có tượng Phật trôi vào thì cư dân Khmer ở đây gọi là Tro Păng Preah (Ao Phật). Về sau người ta đọc tắt là Tro Păng hay Tra Păng, được phiên âm thành Trà Vang, rồi đổi lần thành Trà Vinh.
Cổng sau chánh điện chùa Ông Mẹt |
Góp gạch xây chùa
Ngôi chùa cổ tồn tại khá lâu. Đến khoảng năm 1900, có vị sư trụ trì tên là Sơn Ly nhận thấy ngôi chánh điện xuống cấp trầm trọng nên bàn cách xây dựng lại. Các nhà sư vận động Phật tử nhặt gạch vụn, miểng chén, lu khạp bể gom về chùa để đổ móng cột, đồng thời qui định trong các cuộc lễ lớn nhỏ trong năm phải dành một khoản tiền để xây lại chùa. Nam nữ thanh niên Phật tử ở các phum thay phiên nhau làm các việc đào móng, san lấp mặt bằng, kéo gỗ… Công trạng lớn nhất của các vị sư là qua tận Battambang, Campuchia, mua gỗ căm xe rồi kết thành bè thả theo sông đem về xây chùa.
“Khi có đủ vật liệu, năm 1907 chùa làm lễ động thổ xây dựng ngôi chánh điện. Công trình kéo dài hơn 10 năm, đến tháng 4 năm 1918 mới làm lễ khánh thành”, ông Thone cho biết. Ngoài ngôi chánh điện, trong khuôn viên chùa hiện nay còn có thư viện cũng được xây dựng vào khoảng năm 1916, đã qua nhiều lần trùng tu, với kiến trúc theo kiểu nhà sàn, 3 gian, hai đầu có cầu thang lên xuống. Các đầu cột và xiên được chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng. Đặc biệt có bức bình phong gỗ là tác phẩm mỹ thuật độc đáo.
Chánh điện chùa Ông Mẹt |
Năm 1968, khi chiến tranh xảy ra ác liệt, ngôi chùa bị máy bay ném bom làm hư hỏng nặng nề. Trường Pali Khmer, trai đường, tăng xá bị thiệt hại, sách vở kinh Phật, sách lá buông đều bị thiêu hủy. Sau năm 1975, Phật tử chùa góp sức, góp công tu sửa lại ngôi chánh điện, lợp lại mái ngói. Một số tác phẩm như tượng Kaynor, Krud bằng gỗ được thay thế bằng xi măng.
Hiện nay, bên trong ngôi chánh điện vẫn còn giữ lại những cột, kèo, xiên, đòn tay bằng gỗ được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ, sơn son thếp vàng với nhiều đề tài đặc trưng của Phật giáo Nam tông. Trần chánh điện vẽ hoa văn biểu tượng chánh pháp. Hai vách hông có rất nhiều tranh vẽ, hoặc mô tả cuộc đời sự tích Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật. Theo ông Thone, những tác phẩm mỹ thuật này được thực hiện vào năm 1955.
|
Thư viện chùa Ông Mẹt được xây cất vào khoảng năm 1916 |
Không gian bên trong chánh điện được bài trí khá thoáng với bệ thờ Đức Phật Thích Ca. Cũng theo ông Thone, tượng Thích Ca này là phiên bản phóng to trùm bên ngoài pho tượng gỗ huyền thoại được vớt lên hồi khai sơn lập tự. Bên dưới bệ thờ chính có hai tượng Reachsay (vua sư tử) bằng gỗ quý đặt hai bên. Trên lưng mỗi tượng Reachsay có một chiếc ngai, gọi chung là pháp tọa dành cho các vị cao tăng ngồi thuyết pháp những khi chùa tổ chức đại lễ. Ông Thone cho biết cặp pháp tọa này đã trên 100 năm tuổi.
Từ năm 1990 đến nay, chùa Ông Mẹt được sửa chữa và xây dựng thêm nhiều công trình như tường rào, trai đường, tăng xá, cổng chùa… Cách đây 4 năm, trường trung cấp Pali Khmer được thành lập trên cơ sở trường trung học bán công Phạn ngữ Bồ đề, lập vào năm 1960, qui tụ hàng trăm Phật tử từ các địa phương về tu học. Năm 2009, chùa Ông Mẹt được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Theo Thanh Niên