Cha già con mọn

Thứ sáu, 24/02/2012, 15:01
Khi tuổi đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời, nhiều ông bố còn phải tay bồng tay bế con thơ. Tuổi già sức yếu, họ gặp không ít khó khăn đối mặt với cơm áo gạo tiền và chuyện nuôi con.


 


Nhìn chồng cũ tay bồng con nhỏ, tay xách giỏ quần áo, lưng còng rạp, bước lụm khụm lên cầu thang, bà Tình (nhà ở đường Trần Hưng Đạo, Q.5 - TPHCM) không khỏi xót xa.

 

Vợ chồng bà Tình sống với nhau hơn 20 năm nhưng bà vẫn không sinh cho ông được một đứa con. Ngày biết tin ông Ân - chồng bà, về quê lấy vợ trẻ chỉ với mục đích kiếm đứa con “hương khói”, bà Tình vừa giận lại vừa thương. Mặc dù hết lời khuyên ngăn nhưng bà vẫn không thể giữ chân chồng ở lại.

 

Khi hai đứa con lần lượt ra đời, cô vợ trẻ của ông Ân trở chứng, không chịu đi làm. Tiền sinh hoạt của cả gia đình đều dựa vào ông. Ban ngày, ông phải đi phụ hồ, buổi tối làm bảo vệ trường học, cộng thêm khoản lương hưu hằng tháng nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Những khi nhà hết tiền mua sữa cho con, cô vợ trẻ lại càu nhàu suốt ngày. Năm lần bảy lượt, cô dọa ly hôn.

 

Ông Ân ngậm ngùi: “Không ngờ ở tuổi gần đất xa trời, tôi lại không có được một ngày thảnh thơi”. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà như cơm nước, giặt giũ quần áo cho con, ông Ân đều phải quán xuyến. Chưa kể tuổi già, tay chân vụng về, nhiều lần ông bị vợ mắng nhiếc thậm tệ vì tội làm con té ngã.

 

Nhớ lại những ngày tháng sống với người vợ trước, ông không phải đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì. Mỗi ngày, ông đều có người cơm dâng, nước rót đến tận miệng.  Nhiều khi ông Ân muốn quay về nhưng nhìn hai đứa con nhỏ với gương mặt thơ ngây, ông lại không đành lòng. Sợ con bơ vơ, ông chấp nhận cuộc sống nghèo khó, vất vả suốt những tháng năm cuối đời còn lại. “Ngày trước, tôi chỉ ước ao có con mà không nghĩ đến những vấn đề phát sinh. Giờ phải sống vì con chứ biết làm sao” - ông Ân than thở.

 

Mướt mồ hôi vì chạy ăn

 

Với những người lớn tuổi, việc chạy cơm từng bữa cho con nhỏ gian nan gấp vạn lần người trẻ. Không ít ông ân hận nhưng đã muộn màng. Khác với ông Ân, ông Bình (nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 - TPHCM) có vợ con đề huề. Sau khi nghỉ hưu, ông đủng đỉnh với khoản lương hưu và tiền trợ cấp hằng tháng của ba cậu con trai thành đạt. Mỗi buổi chiều, ông lại thư thả đi đánh cờ tướng với những ông bạn già. Nhưng không chịu yên phận, ở tuổi ngoài 60, ông còn phải lòng cô giúp việc kém ông đến 20 tuổi. Khi các con biết chuyện, ra sức phản đối, ông quyết định dọn ra ngoài sống cùng cô vợ nhỏ.

 

Từ ngày người vợ sau sinh con, ông Bình rơi vào cảnh túng quẫn. Ban ngày chạy xe ôm, tối giữ xe cho các quán nhậu nhưng phải “giật gấu vá vai” mới đắp đổi qua ngày. Không ngại làm việc vất vả nhưng điều khiến ông Bình lo lắng nhất là sức khỏe của ông ngày càng suy yếu. Ông sợ một ngày nào đó ông nằm xuống mà cô con gái nhỏ không có ai nuôi dạy nên người.

 

Mặc cảm

 

Không chạy cơm từng bữa như ông Ân, ông Bình nhưng ông Võng (nhà ở đường Hồng Bàng, Q.5 - TPHCM) luôn phải nghe những lời nhỏ to khó chịu của mọi người xung quanh mỗi khi ông dắt theo con nhỏ.

 

Vợ mất hơn 10 năm, ông Võng (60 tuổi) mới nghĩ đến việc tục huyền. Phải lòng một phụ nữ còn xuân gần nhà, ông không ngần ngại chuyện “trâu già gặm cỏ non” nhưng ngán ngẩm cảnh cha già con mọn. Khi con trai vào mẫu giáo cũng là lúc ông Võng ngấp nghé tuổi 65. Mỗi lần đến trường đón con, các cô giáo và phụ huynh nhìn mái tóc bạc phơ của ông đều tưởng rằng ông là “ông ngoại” đi đón cháu. Nhiều khi ông phải đỏ mặt giải thích “con trai tôi”, họ mới chịu tin. Mặc cảm, ông lẳng lặng đi thật nhanh để tránh những ánh nhìn tò mò của mọi người.

 

Theo NLD

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn