|
Món chân giò om được bán tại Chu Gia Giác, Thượng Hải. Ảnh: Washington Post. |
Giá móng giò đang tăng lên. Xu Min, 29 tuổi, tại Chu Gia Giác, Thượng Hải tự hỏi: Liệu có phải cuộc chiến thương mại đã ập đến gian hàng của cô.
Xu bán thịt lợn trong một thị trấn nổi tiếng với với món móng giò om xì dầu. Cô cung cấp thịt lợn địa phương cho những quán bán món này. Các cuộc ganh đua địa chính trị thường không có ảnh hưởng đến khu chợ nhỏ này, nhưng gần đây, cô và các tiểu thương khác đã phải lo lắng về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Washington Post.
"Việc nhập khẩu ít thịt lợn Mỹ sẽ khiến giá thịt nội tăng", Xu cau mày nói. "Giá tăng sẽ khiến ít người mua hơn, đây là hậu quả xấu".
Mỹ từ tháng 7 áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh tung đòn trả đũa tương đương nhằm vào thịt lợn và đậu nành Mỹ. Những tác động từ các lệnh này bắt đầu được thể hiện.
Thịt lợn nước ngoài đông lạnh được chuyển đến Thượng Hải và các thành phố cảng khác rất quan trọng đối với việc kinh doanh của Xu, mặc dù cô mua thịt lợn từ người chăn nuôi địa phương. Thịt nhập khẩu thúc đẩy nguồn cung và giúp cho cô mua được thịt lợn nội giá thấp.
"Mọi thứ đang trở nên đắt đỏ hơn", cô nói, nhấn mạnh rằng bên cung cấp cho cô đã tăng giá thêm vài Nhân dân Tệ trong hai tuần qua.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt lợn Mỹ lớn thứ tư thế giới và họ là nước tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất thế giới. Trung Quốc đã mua 309.000 tấn thịt lợn năm ngoái từ nông dân ở trung tây và nam Mỹ. Rất nhiều lô hàng vận chuyển các bộ phận mà nhiều người Mỹ thường không ăn như thủ, đuôi, lòng và móng.
Mỹ năm ngoái là nhà cung cấp hàng đầu các loại thịt nói trên cho Trung Quốc, với giá trị 874 triệu USD. Móng giò là món ăn được ưa chuộng ở Trung Quốc và còn được coi là giúp đẹp da vì chứa nhiều collagen.
Tuy nhiên, các đòn áp thuế mới có thể gây tác động nghiêm trọng cho việc buôn bán này. Trước động thái hồi tháng 7 của Trump, Trung Quốc hồi tháng 4 đã áp thuế 25% với thịt lợn Mỹ để đáp trả việc Trump đánh thuế sắt và nhôm. Số lượng thịt thủ, đuôi, và móng Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm từ 12.354 tấn trong tháng 3 xuống 11.095 tấn trong tháng 4 và xuống 9.071 trong tháng 5.
Tại Trung Quốc có khẩu hiện "chúng ta có thể dễ dàng thay hàng nhập khẩu bằng gia súc chăn nuôi trong nước". Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh nên bảo vệ các liên minh thương mại để đáp ứng nhu cầu từ tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc nhìn chung tăng 10% kể từ tháng 5, theo Bộ Nông nghiệp nước này. Giá thủ, đuôi và móng lợn ở tỉnh Sơn Đông đã tăng 7% từ tháng 5 đến cuối tháng 7, Barney Wu, nhà phân tích của công ty chứng khoán Guotai Junan tại Thượng Hải, cho biết.
"Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu gây tổn thương", Wu nói. "Chẳng ai được lợi".
Nhà phân tích nông nghiệp Even Rogers Pay cho rằng giá đậu nành (mặt hàng cũng bị đánh thuế) tăng cũng có thể làm tăng chi phí cho tiểu thương. "Hầu hết đậu nành đó được dùng làm thức ăn cho lợn", bà nói.
|
Một người bán thịt lợn tại chợ ở Chu Gia Giác. Ảnh: Washington Post. |
Trong căng thẳng thương mại, Tổng thống Mỹ Trump thể hiện rằng ông sẽ không nhượng bộ. Ông đã đe dọa áp thuế với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trump nói rằng ông muốn thu hẹp mức thâm hụt thương mại 376 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc và gây áp lực để Bắc Kinh bỏ chính sách ép công ty Mỹ tiết lộ bí mật độc quyền nếu họ muốn thâm nhập thị trường nước này.
Những người buôn bán như Xu mong muốn căng thẳng này sớm được giải quyết. Cô thường chế biến các món từ móng giò, đuôi và sườn lợn cho hai đứa con nhỏ. Công việc buôn bán thịt lợn giúp cô trả tiền thuê nhà hàng tháng 500 NDT (75 USD).
Gần quầy của cô, Gao Jun Gui, 56 tuổi, cũng làm nghề bán thịt, nói rằng ông chấp nhận chịu thiệt thòi để phục vụ cho lợi ích của đất nước. Bên cung cấp của ông đã tăng giá 2% trong tháng 7. "Giờ tôi sẽ kiếm được ít tiền hơn nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ thắng trong cuộc chiến", ông nói. "Trump đơn giản như một đứa trẻ ba tuổi, ông ấy luôn đổi ý".
Wu Lin, 45 tuổi, chủ quán móng giò om, không nghĩ rằng căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến món ăn của mình. Bà nói du khách từ khắp mọi nơi như châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đã đến thử nó.
"Thịt lợn nội ngon hơn đồ đông lạnh và tôi nghĩ chúng hợp vệ sinh hơn", bà cho hay.
Nhưng ở Thất Bảo, nam Thượng Hải, một người buôn móng giò khác cho biết công ty thực phẩm mà bà hợp tác gần đây đã thay đổi đáng kể: 6 ngày trước khi lệnh áp thuế của Trump có hiệu lực, công ty đó đã ngừng cung cấp cho bà hàng nhập khẩu.
"Chúng tôi từng bán cả thịt lợn nội lẫn đồ đông lạnh nhập khẩu", Xiao Lu, 40 tuổi, nói. "Tình hình thay đổi vì thuế quan".
Theo VNE