Ông Valery Dubrovskiy, Giám đốc phụ trách đầu tư của công ty Đầu tư và xuất khẩu Viễn Đông cho rằng một số công ty Trung Quốc đã bắt đầu để ý tới lời mời chào này.
"Chúng tôi hy vọng hầu hết các khoản đầu tư sẽ đến từ Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng 50% đến từ Trung Quốc, 25% từ các nhà đầu tư trong nước và 25% đến từ một số nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông này cho hay.
Trung Quốc đang phải vật lộn giải quyết bài toán nguồn cung đậu nành từ Mỹ. (Ảnh: Free World Economic Report) |
Tuyên bố này đồng nghĩa với việc toàn bộ 3 triệu ha đất nông nghiệp vùng Viễn Đông của Nga phù hợp với chăn nuôi bò sữa, trồng các loại cây như đậu nành, lúa mì, khoai tây đã sẵn sàng cho nông dân nước ngoài canh tác.
Lời đề nghị trên phần nào cho thấy sự tăng cường hợp tác đáng kể giữa các doanh nghiệp nông nghiệp Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giới quan sát lại hoài nghi về chất lượng vùng đất mà Nga đang mời chào các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Dmitri Rylko, Tổng giám đốc Viện tư vấn Nghiên cứu thị trường nông nghiệp (Nga), phần lớn các mảnh đất màu mỡ ở vùng Viễn Đông đều đã có chủ.
"Những mảnh đất tốt nhất đều đã có người canh tác và được nông dân địa phương khai thác triệt để. Nếu họ muốn thuê thêm, họ buộc phải thuê ở những vùng xa xôi và có năng suất thấp", ông Rylko nói.
Cùng với đó, việc một lượng lao động lớn từ Trung Quốc tràn về vùng viễn Đông Nga có thể sẽ vấp phải sự kháng cự của người dân địa phương, những người phản đối các phương thức canh tác nông nghiệp của nông dân Trung Quốc như lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón, theo chuyên gia Zhang Xin tại Trường ĐH Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc.
"Matxcơva có thể đưa ra quyết định có để các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất, nhưng quá trình này có được triển khai một cách thuận lợi hay không còn phải phụ thuộc vào thái độ của cư dân vùng Viễn Đông", ông này nhận định.
Giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh đánh thuế 25% vào đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, mặt hàng có sức tiêu thụ lớn tại thị trường Trung Quốc. Diễn biến này buộc các nông dân nước này phải tìm kiếm các vùng canh tác đậu tương rẻ tiền để đối phó tạm thời với bài toán nan giải trước mắt.
Tính từ tháng 7/2017 tới cuối tháng 5/2018, Trung Quốc đã giảm đáng kể lượng mua đậu tương từ Mỹ, thay vào đó thu mua 850.000 tấn đậu tương từ Nga. Nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với 800 triệu tấn đậu tương Trung Quốc đã nhập khẩu từ đầu năm đến nay.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đang tìm cách đẩy mạnh sản xuất đậu tương trong nước để đối phó với tình trạng thiếu hụt và tạo thêm 1 triệu ha đất trồng trong 2 năm tới.
Theo VTC