Căng thẳng thương mại, vì sao doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc từ chối giúp đỡ Trung Quốc?

Thứ bảy, 18/08/2018, 11:55
Theo SCMP, thiếu hành động thiết thực để cải cách như đã cam kết khiến cho Bắc Kinh không nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng này.

Bắc Kinh đang có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại leo thang, theo SCMP. Những công ty này tỏ ra mệt mỏi khi những cải cách thị trường được chính quyền hứa hẹn có ít dấu hiệu tiến triển.

Đánh giá được đưa ra trong bối cảnh Mỹ - Trung chuẩn bị vòng đối thoại thương mại mới nhằm giảm căng thẳng thương mại vào cuối tháng 8.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: Money&Market)

Theo SCMP, các công ty Mỹ với tầm phủ sóng rộng khắp tại thị trường Trung Quốc được xem là một kênh vận động hiệu quả Bắc Kinh có thể dùng để gây ảnh hưởng đến các nhà chính sách Washington, và chính quyền Trung Quốc đã luôn tìm kiếm sự trợ giúp của họ để khiến Nhà Trắng giảm căng thẳng xung đột thương mại. Dù vậy, “những người bạn” doanh nghiệp Mỹ từ hàng chục năm trước vẫn tỏ ra chần chừ lên tiếng cho Trung Quốc, nguồn tin của SCMP cho biết.

“Họ không hài lòng với tình hình cạnh tranh thị trường tại Trung Quốc và muốn duy trì áp lực lên chính phủ Trung Quốc cho đến khi họ hành động để giải quyết những mối quan tâm của doanh nghiệp” – một cố vấn chính phủ Trung Quốc giấu tên trả lời SCMP.

Hơn một tháng từ sau khi chiến tranh thương mại diễn ra với những chương trình đánh thuế qua lại, Mỹ - Trung dự định khôi phục đàm phán ở cấp thấp hơn các cuộc đàm phán trước. Theo Wall Street Journal ngày 18/6,  Trung Quốc và Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 trong tháng 11.

Dù vậy, vẫn chưa bên nào cho thấy dấu hiệu sẵn sàng nhượng bộ và phương án giải quyết căng thẳng thương mại hiệu quả vẫn còn là một dấu hỏi. Trong khi Washington muốn Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ và thay đổi các chính sách công nghiệp, Bắc Kinh lại cho rằng Mỹ đang đòi hỏi quá nhiều và từ chối thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế do nhà nước hỗ trợ của mình.

Sau khi áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa mỗi bên vào ngày 6/7, Washington và Bắc Kinh dự định tiếp tục vòng thuế thứ hai với 16 tỷ USD hàng hóa vào ngày 23/8. Các lệnh trừng phạt khác đang được lên kế hoạch và các nhà quan sát nghi ngờ cuộc đàm phán sắp tới có thể không mang lại hiệu quả.

Các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều năm qua đã kêu gọi Bắc Kinh có những hành động thiết thực để thực hiện lời hứa cải thiện cạnh tranh trong thị trường Trung Quốc, mở cửa phạm vi tiếp cận và cải thiện các quy định về môi trường kinh doanh. Những mối lo ngại của họ tập trung vào thị trường bị hạn chế, các quy định không rõ ràng hoặc thiếu đồng đều và trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho các doanh nghiệp nội địa thuộc những lĩnh vực trọng yếu.

Dù vậy, một số công ty cho rằng cách tiếp cận của Nhà Trắng để giải quyết vấn đề này là chưa đúng.

Chuyên gia cho rằng chiến lược của ông Trump có thể không hiệu quả khi các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc thường ưa chuộng “cách ngoại giao thầm lặng và tham dự mang tính xây dựng” để thúc đẩy cải cách và xâm nhập thị trường tốt hơn. “Chiến lược của ông Trump hoàn toàn trái ngược với sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Tất cả mọi thứ cộng đồng này tạo ra trong 40 năm qua đang gặp nguy hiểm” – ông James Zimmerman, cựu chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích