“Tôi mắc kẹt trong suy nghĩ sẽ bị bỏ lại và cố kiếm tiền thật nhanh”, anh cho biết trên New York Times, “Nhưng việc thua lỗ đã khiến tôi tê liệt về tài chính”.
Roberts có rất nhiều người đồng cảnh ngộ. Sau đợt mất giá lớn gần đây nhất, hàng loạt tiền ảo đã quay về thời điểm mùa đông năm ngoái. Tổng giá trị tất cả tiền ảo trên thế giới đã giảm 75%, tương đương 600 tỷ USD, kể từ đỉnh hồi tháng 1, theo số liệu từ Coinmarketcap.
Tony Yoo đã đổ 100.000 USD vào tiền ảo. Ảnh: NYT |
Dĩ nhiên, trước đây, thị trường tiền ảo đã trải qua nhiều đợt tăng giảm. Nhưng đợt lao dốc này có thể có ảnh hưởng lâu dài hơn đến việc công nghệ này được chấp nhận trên toàn cầu. Do rất nhiều người không thuộc giới công nghệ đã đầu tư vào tiền ảo trong năm qua và thua lỗ lớn.
“Cái mà bạn thường xuyên được nghe thấy, là bạn bè mình mất tiền như thế nào”, Alex Kruger - cựu nhân viên ngân hàng kiêm nhà đầu tư tiền số cho biết, “Đầu tư theo phong trào mà không có kiến thức sẽ khiến mọi người thua thiệt về tài chính và làm chậm quá trình chấp nhận công nghệ này”.
Rất khó tính được bao nhiêu nhà đầu tư tiền ảo đang thua lỗ. Vì nhiều người mất tiền trong vài tháng qua thực ra đã gia nhập cuộc chơi từ rất sớm, cách đây 9 - 10 năm. Do đó, danh mục của họ hiện vẫn giá trị hơn khoản đầu tư ban đầu.
Dù vậy, phần đông đổ vào tiền ảo từ mùa thu và mùa đông năm ngoái. Số người dùng trên Coinbase - sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Mỹ đã tăng gấp đôi giai đoạn tháng 10/2017 - tháng 3/2018. Hãng dịch vụ tài chính Square cũng bắt đầu cho phép người dùng sử dụng ứng dụng di động của họ - Square Cash - để mua Bitcoin từ tháng 11 năm ngoái.
Hai kỹ sư tại xưởng đào của Bitfarms tại Canada. Ảnh: NYT |
Gần như toàn bộ khách hàng mới của Coinbase và Square sẽ mất tiền nếu mua tiền ảo trong khoảng 9 tháng gần đây mà giờ vẫn còn giữ. Tại một số nước, như Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhà đầu tư còn lỗ nặng nữa, do số lượng người không có chuyên môn đổ tiền vào quá đông. Tại Hàn Quốc, các sàn lớn nhất còn mở quầy để nhà đầu tư không yên tâm với việc thực hiện trực tuyến dễ dàng đổ tiền vào đây.
Giờ đây, tại văn phòng của Coinone - một trong các sàn lớn của nước này, suốt 2 tiếng trong giờ làm việc, chỉ một khách hàng lui tới. Yu Ji-Hoon - một nhân viên tại đây cho biết: “Giá tiền ảo giảm mạnh quá, khiến mọi người đều chán nản”.
Kim Hyon-jeong - một giáo viên 45 tuổi sống ở ngoại ô Seoul cho biết đã đổ 100 triệu won (90.000 USD) vào tiền ảo mùa thu năm ngoái. Bà rút hết tiền tiết kiệm, bảo hiểm và còn vay thêm 25.000 USD. Giờ đây, danh mục của bà đã mất 90% giá trị.
“Tôi nghĩ rằng tiền kỹ thuật số sẽ là lựa chọn đúng đắn và là bước ngoặt với người lao động bình thường như chúng tôi”, bà nói, “Tôi cho rằng gia đình mình có thể thoát cảnh nghèo khó và sống thoải mái hơn. Nhưng mọi chuyện lại không như vậy”.
Tại Mỹ, Charles Herman (29 tuổi) - chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Nam Carolina cũng bị ám ảnh bởi tiền ảo từ tháng 9 năm ngoái. Giờ đây, anh chỉ cảm thấy mình đã lãng phí 10 tháng cuộc đời.
Herman đã lấy lại được 4.000 USD tiền đầu tư. Anh không còn bị lôi cuốn bởi những lời hứa hẹn về triển vọng của tiền ảo như năm ngoái và đã quay lại đổ tiền vào bất động sản.
Phần lớn nguyên nhân khiến nhà đầu tư nổi giận nằm ở các tiền số nhỏ hơn. Chúng được tạo ra bởi các doanh nhân khởi nghiệp và bán trong các đợt ICO (phát hành tiền ảo để huy động vốn). Trên lý thuyết, chúng sẽ là công cụ thanh toán cho phần mềm mới mà các doanh nhân này tạo ra.
Tuy nhiên, trên thực tế, gần như chẳng công ty nào tạo ra phần mềm như cam kết, khiến các tiền ảo này trở nên vô dụng, chỉ đóng vai trò để đầu cơ. Một số đồng tiền còn bị phanh phui là trò lừa đảo.
Về tốc độ mất giá, Bitcoin vẫn còn khá khẩm so với các loại tiền nhỏ hơn, khi chỉ giảm 70% từ đỉnh năm ngoái, so với 90% của các đối thủ. Tuy nhiên, nó cũng đang chật vật chen chân vào cuộc sống thường ngày. “Bitcoin vẫn chưa sẵn sàng được chấp thuận rộng rãi và sử dụng hàng ngày”, Herman cho biết.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn kiên trì giữ tiền ảo, với hy vọng khi công nghệ khối chuỗi được sử dụng rộng rãi, giá tài sản này sẽ phục hồi. Tony Yoo - một nhà phân tích tài chính 26 tuổi tại Los Angeles đã đầu tư hơn 100.000 USD tiền tiết kiệm vào tiền ảo từ mùa thu năm ngoái. Có thời điểm, khoản đầu tư của anh mất giá tới 70%.
Nhưng Yoo vẫn rất tin tưởng các loại tiền ảo này sẽ là cách thanh toán trực tuyến mới, không cần dựa vào các doanh nghiệp lớn làm trung gian như hiện tại. “Làn sóng công nghệ và đột phá này còn rất nhiều tiềm năng. Tôi chắc chắn nó sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai”, Yoo dự báo. Còn khi giá đang giảm mạnh như hiện tại, anh lại đang tìm cách đổ thêm tiền vào thị trường.
2013 là thời điểm giá Bitcoin lần đầu chạm mốc 1.000 USD. Sau đó, thị trường trượt dốc, khiến giá tiền ảo này mất tới hơn 80%. Sau thời kỳ dài đi xuống, nó bắt đầu phục hồi. Hiện tại, kể cả khi đã mất giá mạnh, mỗi đồng Bitcoin vẫn được giao dịch quanh 6.300 USD, gấp 6 lần thời điểm đầu năm 2013.
“5 năm trước, tôi thất nghiệp, phá sản và rất xấu hổ khi phải dùng tên thật”, Ryan Selkis - một nhà đầu tư tiền ảo cho biết trên Twitter, “Giờ đây, tôi chỉ muốn nói với những người mới rằng hãy giữ tài sản của bạn trong 14 tháng, kể cả nó có mất giá 85%, bạn sẽ không hối hận đâu”.
Tuy vậy, không phải ai cũng lạc quan như Selkis, trên mạng xã hội Reddit, một người dùng từ Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) còn chụp ảnh khoản vay 100.000 USD của anh hồi tháng 12 để mua tiền ảo. Hiện tại, anh sẽ phải trả nợ bằng 3 năm lương.
Roberts thì vẫn giữ số tiền ảo để chờ giá hồi phục. Tuy nhiên, anh đã ngừng giao dịch và bắt đầu tìm việc mới. “Tôi đang sống nhờ vào số tiền tiết kiệm ít ỏi còn lại trong tài khoản”, Roberts cho biết, “Tôi đã mắc sai lầm, và sẽ phải trả giá cho nó trong vài năm tới”.
Theo VNE