Nguyên nhân nào dẫn tới việc thiếu sách giáo khoa đầu cấp?

Thứ năm, 23/08/2018, 10:26
Nhiều phụ huynh bức xúc vì đang phải "đỏ mắt" tìm sách giáo khoa cho con em đi học. Nguyên nhân từ đâu?

Những ngày gần đây, qua khảo sát của PV, đang xảy ra tình trạng "khan hiếm" sách giáo khoa trên nhiều tỉnh thành. Đặc biệt là sách giáo khoa các lớp đầu cấp 1, 6, 10. Tại địa bàn Hà Nội, có thể thấy tại nhiều nhà sách không thuộc chuỗi nhà sách của Nhà xuất bản Giáo dục không còn sách theo bộ để bán, chỉ còn các đầu sách lẻ. Phụ huynh muốn mua sách cho con phải mất rất nhiều thời gian để tìm chọn.

Nhiều ý kiến cho rằng việc khan hiếm sách giáo khoa này xuất phát từ việc năm 2019-2020, Bộ GDĐT dự kiến sẽ thay đổi sách giáo khoa lớp 1 và các cấp khác kể từ các năm sau đó. Trước thông tin này, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết do năm nay lượng học sinh tăng đột biến, nên dẫn tới hiện tượng hết sách giáo khoa tại các cửa hàng sách nhỏ lẻ. Nhà xuất bản cũng đã khẩn trương cung ứng bổ sung sách giáo khoa, phục vụ nhu cầu của học sinh trước ngày khai giảng, đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu sách giáo khoa.

Tìm sách giáo khoa đang khiến nhiều phụ huynh "đau đầu"

Bà Lê Thị Huệ, Giám đốc công ty Phát hành sách Thanh Hóa cho biết, đúng là năm nay xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa. Theo bà Huệ, đối với những phụ huynh đã “đặt hàng” nhà trường từ trước thì yên tâm vì chắc chắn có sách. Thế nhưng đối với các phụ huynh tự mua bên ngoài, lại chọn thời điểm “nóng” nhất để mua thì phải đợi để NXB Giáo dục Việt Nam cung ứng thêm sách.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trả lời câu hỏi liệu có phải vì năm sau thay đổi sách giáo khoa, nên năm nay phụ huynh tìm "đỏ mắt" không đủ sách cho con em.

"Theo tôi được biết, tất cả học sinh đã đăng ký mua SGK đều có SGK. Khó khăn chỉ xảy ra đối với những trường hợp chưa đăng ký. Có thể trước thông tin Chương trình mới sẽ được triển khai ở lớp 1 từ năm học 2019 – 2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị phát hành SGK không dám in và nhận về số lượng SGK vượt nhiều so với số đăng ký. Nhưng tôi tin rằng khi đã phát hiện được vấn đề, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp với nhau giải quyết được. Về mặt nguyên tắc, cho tới giờ phút này chương trình hiện hành vẫn đang còn hiệu lực thì vẫn phải đảm bảo đủ SGK cho học sinh.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về việc triển khai chương trình mới, đúng là Bộ GDĐT đang quyết tâm triển khai ở lớp 1 từ năm học 2019-2020. Nhưng chỉ khi nào công việc được chuẩn bị thật chu đáo, được Chính phủ đồng ý thì Bộ GDĐT mới có thể thực hiện kế hoạch vào thời điểm nói trên", GS. Nguyễn Minh Thuyết nói.

Chia sẻ với PVt, một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực phát hành sách nhận định: "Thực tế việc thiếu sách giáo khoa năm nay có thể hiểu được qua góc độ kinh doanh. Thông thường sách giáo khoa năm nay được Nhà xuất bản lên kế hoạch và in ấn từ quý 4 năm ngoái. Có lẽ không tiên liệu được việc học sinh đầu cấp năm nay tăng đột biến, chưa kể việc năm sau có thể sẽ thay sách giáo khoa lớp 1, nên Nhà xuất bản in với số lượng hạn chế, dẫn tới thiếu sách."

"Thế nhưng câu hỏi đặt ra vì sao Nhà xuất bản không in thêm ngay khi tiên liệu thấy việc thiếu sách? Bởi vì kể từ quý 4 năm ngoái tính tới thời điểm này, giá giấy đã tăng tới 10%/1gr cho giấy ngoại nhập, giấy trong nước tăng giá khoảng 5 tới 7%/1gr. Trong khi đó giá sách giáo khoa đã niêm yết, không thể tăng được, vì vậy mới dẫn tới việc thiếu sách nhưng chưa thấy phản ứng từ phía Nhà xuất bản Giáo dục cho việc in thêm", chuyên gia này nói thêm.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn