Cấm xe máy vào nội đô: Chưa thuyết phục!

Thứ bảy, 25/08/2018, 09:29
Đề án của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất cấm xe máy vào 4 quận trung tâm khiến người dân băn khoăn về tính khả thi

Ngày 24-8, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết cơ quan này đã trình đề án Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP.HCM lên UBND TP. "Có thể trong tuần tới, UBND TP sẽ có cuộc họp để bàn về những nội dung trong đề án này" - ông Lâm nói.

Thực hiện trong 3 giai đoạn

Đề án trên do Sở GTVT TP thuê Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở TP. Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án đó là sẽ cấm xe máy vào trung tâm TP (các quận 1, 3, 5 và 10) được chia làm 3 giai đoạn và tiến tới cấm hẳn xe máy vào năm 2030.

Cụ thể, từ nay đến năm 2020: trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1); đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng) hạn chế xe máy từ 7-19 giờ. Từ năm 2021 đến 2025: hạn chế xe vào quận 1; từ năm 2026-2030: hạn chế tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm.

Đường Trường Sơn (quận Tân Bình) là một trong những tuyến đường đầu tiên của TP.HCM dự kiến cấm xe máy

Đơn vị nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp: kiểm soát xe cá nhân đỗ trong khu vực trung tâm, xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực; hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm. Cùng với đó là tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô 9 chỗ theo lộ trình, thu phí "ùn tắc giao thông" vào giờ cao điểm đối với ôtô vào khu vực trung tâm.

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng trong quá trình hạn chế xe máy, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn hình thành. Do đó, đơn vị này đề xuất TP cần phát triển thêm 55-120 tuyến xe buýt, nâng tổng số toàn mạng lưới lên 192-255 tuyến, với khoảng 4.200-4.800 xe hoạt động.

Xe buýt phải đến mọi ngóc ngách

Trước thông tin này, nhiều người dân ở các tuyến đường trên lo ngại. Bà Nguyễn Thanh Hương (ngụ đường Trường Sơn, quận Tân Bình) thắc mắc nếu cấm xe máy thì bà sẽ đi bằng phương tiện gì? Nhà bà Hương có 3 xe máy. Chồng và con bà dùng xe máy đi làm ở quận 10 và quận 5, còn bà thì đi chợ hằng ngày. Lâu nay, nhà bà không có ai đi xe buýt bởi chất lượng kém và không cơ động.

Đường Trường Sơn là cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất với hàng chục ngàn người lưu thông mỗi ngày. Nếu cấm xe máy thì nhiều người ở các khu vực không có tuyến xe buýt sẽ gặp khó khăn bởi chi phí di chuyển tăng vọt khi đi taxi. Chưa kể, nhiều người coi đây là tuyến đường thuận lợi nhất để đi từ quận Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh qua Tân Bình, Tân Phú theo lộ trình Phạm Văn Đồng - Hồng Hà - Trường Sơn - Cộng Hòa. Nếu cấm xe máy qua đường này thì áp lực giao thông sẽ dồn lên đường Phổ Quang vốn nhỏ hẹp hoặc đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm đang quá tải. Tương tự, đường Pasteur khi bị cấm cũng sẽ tạo áp lực lên các tuyến xung quanh.

Theo các chuyên gia giao thông, thông thường khi cấm một phương tiện bất kỳ thì phải lập vành đai chứ cắt thành từng đoạn sẽ làm khó người dân cũng như đẩy ùn tắc từ nơi này sang nơi khác. Với lộ trình cấm xe máy, đơn vị nghiên cứu đã đặt kỳ vọng lên hệ thống xe buýt, trong khi thực tế xe buýt đang hoạt động èo uột, chưa thu hút được hành khách.

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định muốn cấm xe máy thì cần có phương tiện khác thay thế và quan trọng là giao thông công cộng phải phủ kín. Đơn cử, nếu cấm ở quận 1, 3, 5, 10 thì người dân buộc phải đi lại bằng xe buýt từ quận này qua quận khác nhưng mạng lưới xe buýt phải thật sự tiện lợi. Các nhu cầu như đi làm, đi học, đi xem phim hoặc thăm người thân đều có cả, người dân chỉ đi bộ trong vòng bán kính 500m để lên xe buýt chứ không thể xa hơn. Như vậy, xe buýt phải đi đến mọi ngóc ngách của khu vực trung tâm và hoạt động cả ngày lẫn đêm. Đó là chỉ riêng khu vực trung tâm chứ chưa nói đến nhu cầu đi lại của người dân từ ngoại thành vào trung tâm để làm việc, vui chơi.

Cần nhiều giải pháp

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cấm phương tiện không phải là giải pháp tốt trong quản lý giao thông đô thị. Vấn đề của nhà quản lý là phải đưa ra nhiều giải pháp để người dân lựa chọn. Như ở nước ngoài, giao thông công cộng phủ khắp, nhiều người giàu có vẫn chọn đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm vì nó an toàn. Giải pháp thu phí "ùn tắc giao thông" không cần thiết và tốn kém khi lập vành đai thu phí. Giải pháp đơn giản hơn và đã được kiểm chứng đó là tăng phí giữ xe ở khu vực nội thành.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn