Ban QLDA Đường sắt: Tổng thầu Trung Quốc chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Thứ sáu, 24/08/2018, 14:11
Đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, tổng thầu Trung Quốc đang chậm trễ trong hoàn thiện kế hoạch vận hành thử, quy trình bảo trì bảo dưỡng, hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống, do vậy ảnh hưởng tiến độ bàn giao dự án.

Tại cuộc họp về tiến độ dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tổ chức vào chiều 23/8, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, hiện tổng thầu Trung Quốc đang chậm trễ trong hoàn thiện kế hoạch chi tiết vận hành thử, quy trình bảo trì bảo dưỡng, hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống, do vậy, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao dự án.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, khối lượng xây lắp của dự án hoàn thành khoảng 96% (chưa bao gồm hạng mục thiết bị). Các hạng mục hoàn thiện kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu depot, hạ tầng khu depot vẫn đang tiếp tục triển khai. Hiện 95% khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường. Tổng thầu đã lắp đặt khoảng 83%.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt cũng cho biết, cuối tháng 7 đã xông điện toàn hệ thống của dự án và căn chỉnh 5 hệ thống chuyên ngành thiết bị. Đến ngày 20/8, tổng thầu vận hành thử đoàn tàu, đồng thời tiếp tục căn chỉnh 6 hệ thống chuyên ngành thiết bị còn lại.

Đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, Tổng thầu Trung Quốc chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Dự kiến, từ ngày 20/9 sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử liên động toàn hệ thống của dự án (toàn bộ 11 hệ thống chuyên ngành thiết bị) theo kế hoạch Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng. Thời gian tàu chạy thử trung bình 3 - 6 tháng trước khi khai thác thương mại.

Liên quan đến việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc điều hành dự án thời gian qua đã chuyển biến nhưng vẫn có thể chậm tiến độ. Không có lý do gì đến giờ chạy thử rồi vẫn chưa có quy trình chạy thử.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phối hợp với lãnh đạo TP.Hà Nội, làm việc với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc, trong đó có việc công bố quy trình vận hành để nghiên cứu, giám sát.

Bộ trưởng yêu cầu, tối đa 6 tháng sau khi vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải vận hành thương mại vì đây là một tài sản lớn, gần như hoàn chỉnh hết, không vận hành sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là rất lãng phí.

Theo VTC

Các tin cũ hơn