Chủ cửa hàng mở cửa cho người dân vào lấy đồ sau thảm họa ở Indonesia

Thứ ba, 02/10/2018, 16:38
Nhiều người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần ở Indonesia nói rằng họ quá đói sau nhiều ngày không được ăn và buộc phải lấy đồ ở các cửa hàng để sinh tồn.

Người dân lấy đồ ở một cửa hàng tiện lợi tại Palu (Ảnh: Reuters)

Thành phố Donggala là một trong những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của trận động đất và sóng thần hôm 28/9. Người dân tại Donggala nói rằng họ rất đói, tuy nhiên hàng viện trợ của chính phủ vẫn chưa kịp chuyển đến nơi do việc tiếp cận với khu vực này gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều người tại Donggala còn lo ngại rằng chính quyền Indonesia đã lãng quên họ do mọi sự tập trung đều đổ dồn vào thành phố Palu - nơi lực lượng cứu hộ và viện trợ dễ tiếp cận hơn.

Ông Kasman Lassa, lãnh đạo Donggala, hôm nay 2/10 cho biết khi nguồn lương thực cạn kiệt, người dân buộc phải lấy đồ ăn và các nhu yếu phẩm từ các cửa hàng. Những con đường đến Donggala bị tàn phá là nguyên nhân khiến việc vận chuyển hàng cứu trợ gặp khó khăn. Do vậy, người dân ở đây không còn cách nào khác ngoài lùng sục các cửa hàng để lấy đồ ăn.

Người dân tìm kiếm nhu yếu phẩm một nhà kho sau thảm họa kép tại Indonesia. (Ảnh: Reuters)

“Mọi người đều đói và họ muốn có đồ ăn sau vài ngày không được ăn gì cả. Chúng tôi đã dự đoán được điều này và đã cung cấp đồ ăn, gạo cho người dân nhưng không đủ. Có quá nhiều người ở đây. Về vấn đề này, chúng tôi không thể gây sức ép với họ thêm được nữa”, ông Lassa giải thích.

Ông Lassa cũng nhắc nhở người dân chỉ lấy đồ ăn khi tới các cửa hàng và không lấy thêm các đồ vật khác.

“Chỉ nên lấy bánh ngọt, bánh mì, gạo. Đừng lấy ghế hay tivi. Tôi muốn nhắc lại, chỉ lấy bánh ngọt, bánh mì và gạo. Họ có thể lấy những đồ đó. Chủ cửa hàng cũng cho phép họ lấy đồ ăn”, ông Lassa cho biết thêm.

Tại Donggala, nỗi thất vọng của người dân đã chuyển thành cơn giận dữ khi người dân tìm mọi cách để chuyển lời thỉnh cầu của họ tới Tổng thống Joko Widodo.

“Hãy chú ý tới Donggala, ngài Tổng thống. Hãy quan tâm tới Donggala. Vẫn còn nhiều ngôi làng bị lãng quên ở đây”, một người dân nói lớn trong đoạn video được phát trên đài truyền hình địa phương.

Người dân được khuyến cáo chỉ nên lấy đồ ăn tại các cửa hàng. (Ảnh: Reuters)

Hãng tin BBC đã công bố đoạn video ghi lại cảnh “hôi của” tại thành phố Palu sau thảm họa động đất và sóng thần. Những người dân được phỏng vấn nói rằng họ không còn cách nào khác ngoài việc phải lấy đồ ăn tại các cửa hàng.

“Không có hàng cứu trợ. Chúng tôi cần phải ăn. Chính phủ không giúp chúng tôi, vì thế chúng tôi phải tự cứu lấy mình”, một người đàn ông nói.

Mặc dù các nhà chức trách nói rằng hàng cứu trợ đang được chuyển đến song nhiều người dân nói rằng họ không thể chờ được.

“Chúng tôi không còn gì cả. Nhà tôi bị tàn phá rồi. Tình cảnh này buộc chúng tôi phải làm như vậy. Chúng tôi cần tất cả mọi thứ như đồ ăn nước uống. Chúng tôi buộc phải lấy mọi thứ. Chúng tôi thậm chí không còn đồ dùng. Chúng tôi không có sữa, không có những thứ cho trẻ em như thuốc”, một nhóm người dân nói về việc lấy đồ ở các cửa hàng.

Một số chủ cửa hàng cho phép người dân vào lấy đồ ăn. (Ảnh: BBC)

Cảnh sát Indonesia buộc phải dùng súng để trấn áp đám đông muốn xông vào một cửa hàng (Ảnh: BBC)

Quốc tế hỗ trợ

Tổng thống Widodo đã kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân sau thảm họa kép tại Indonesia. Tính đến nay, Liên minh châu Âu (EU) và 10 nước đã cam kết viện trợ cho Indonesia, trong đó có Mỹ, Australia và Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ chuyển lương thực đi hôm nay, chuyển nhiều nhất có thể trên các chuyến bay”, ông Widodo nói.

Hàng nghìn người tập trung tại sân bay Palu chờ được sơ tán

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Australia đã viện trợ nửa triệu USD khẩn cấp cho Indonesia thông qua Hội Chữ Thập Đỏ và sẽ tiếp tục viện trợ lần hai.

Công tác cứu trợ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng sau thảm họa chưa được khắc phục. Sân bay ở thành phố Palu bị tàn phá và hiện chỉ còn một đường băng duy nhất hoạt động. Do vậy, chỉ một máy bay có thể cất cánh trước khi máy bay khác có thể hạ cánh. Điều này khiến hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ bằng máy bay không thể diễn ra nhanh chóng.

Trong khi đó, hơn 3.000 người dân hôm qua đã kéo tới sân bay Palu và yêu cầu lực lượng quân đội sơ tán họ tới nơi an toàn, đồng thời cung cấp đồ ăn cho họ. Các nhà chức trách buộc phải đóng cửa tạm thời sân bay để giải quyết tình trạng hỗn loạn.

“Chúng tôi không được ăn gì suốt 3 ngày rồi. Chúng tôi chỉ muốn an toàn thôi”, một phụ nữ nói khi có mặt tại sân bay Palu chờ được sơ tán.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn