Thành phố Palu trên đảo Sulawesi, Indonesia vừa hứng chịu thảm họa kép động đất, sóng thần khiến ít nhất 844 người thiệt mạng và con số này có thể tăng cao trong vài ngày tới, khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được với những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất.
Giới phân tích cho rằng thương vong nặng nề mà Palu phải hứng chịu là hậu quả của sự kết hợp các yếu tố địa lý và con người, biến trận sóng thần thành thảm họa không thể tồi tệ hơn giáng vào thành phố 335.000 dân này, theo BBC.
Địa thế nguy hiểm
Nhiều công trình ở Palu sụp đổ trong trận động đất 7,5 độ. Ảnh: Reuters. |
Động đất thường xuất hiện khi các mảng kiến tạo trong vỏ Trái Đất dịch chuyển trượt lên nhau hoặc va vào nhau, giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các khu đông dân cư gần tâm chấn.
Palu là thành phố duyên hải ở miền Trung Indonesia, quốc gia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", nơi thường xuyên chứng kiến các trận động đất lớn nhỏ khác nhau. Hôm 28/9, người dân Palu cảm nhận rõ một loạt chấn động nhỏ, nhưng mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ vào chiều tối hôm đó, khi đứt gãy Palu-Koru bất ngờ dịch chuyển ở độ sâu chỉ 10km ngay gần bờ biển và tạo ra trận động đất mạnh 7,5 độ.
Chuyên gia Hamza Latief ở Viện Công nghệ Bandung, người đã nghiên cứu đường đứt gãy này từ năm 1995, cho rằng hậu quả mà trận động đất gây ra cho thành phố Palu nghiêm trọng hơn nhiều lần do lớp nền được bồi đắp từ phù sa của khu đô thị này.
Những khu vực có địa tầng vững chắc thường chỉ rung chuyển trong động đất, nhưng với những nơi như Palu, các lớp trầm tích dịch chuyển nhiều hơn và sẽ trở nên nhão, hay còn gọi là hiện tượng "đất hóa lỏng". Các công trình bình thường được xây dựng trên nền móng như vậy khó có thể trụ vững trước động đất.
"Ở bất cứ nơi nào người ta xây nhà trên nền đất trầm tích, chúng sẽ không được vững vàng như trên nền đá cứng", Jess Phoenix, nhà địa chất học người Mỹ đang nghiên cứu tại Indonesia, cho biết. "Khi động đất xảy ra, những khu vực này là đáng lo ngại nhất".
Đợt sóng bất thường
Địa thế nằm ở cuối vịnh dài và hẹp khiến thành phố Palu chịu ảnh hưởng nặng nề của sóng thần. |
"Các nhà nghiên cứu thường không để ý nhiều đến đường đứt gãy Palu-Koru khi nhắc tới nguy cơ sóng thần", giáo sư Philip Liu Li-Fan thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói. Hai đĩa kiến tạo ở đứt gãy này chỉ dịch chuyển theo chiều ngang, không phải theo chiều thẳng đứng. Những cú va chạm theo chiều thẳng đứng giữa các mảng kiến tạo thường là nguyên nhân gây ra các đợt sóng thần nguy hiểm.
Bởi vậy, đợt sóng thần sau trận động đất do va chạm tại đứt gãy này gây ra đã khiến giới nghiên cứu quốc tế ngạc nhiên và chưa hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra dưới lòng biển. "Chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm hiểu xem cái gì đã thực sự xảy ra", giáo sư Liu nói.
Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết trận động đất đã gây nên một đợt sạt lở lớn dưới đáy biển khiến khối nước khổng lồ dịch chuyển gây ra sóng thần, hoặc các chuyên gia từ trước tới nay đã hiểu sai về đường đứt gãy Palu-Koru.
Nhưng dù lý do là gì đi chăng nữa, khi sóng thần bắt đầu dịch chuyển và tiến vào gần bờ, thành phố Palu nằm ở cuối một con vịnh hẹp, dài tới 10 km, lâm vào tình thế không thể tồi tệ hơn, theo Phoenix.
Sóng thần thường không gây ra nhiều mối đe dọa khi di chuyển ngoài biển lớn, dù chúng tiến vào bờ với vận tốc rất nhanh. Nhưng khi tiến gần hơn tới bờ biển, quá trình va chạm với đáy biển nông khiến những con sóng cao dần lên và trở nên dồn dập.
Sóng thần thường trở nên cao hơn khi tiến gần bờ biển. |
Chỉ trong vòng ba phút, thành phố Palu hứng chịu ba đợt sóng thần liên tiếp ập vào.
"Khi sóng thần ập vào khu vực hình móng ngựa như vậy, nó không chỉ tăng độ cao mà còn tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, khi sóng dội ra từ đường bờ biển xung quanh", Phoenix nói.
Latief cho biết thành phố này từng hứng chịu một trận sóng thần vào năm 1927. Tài liệu lịch sử cho thấy trong thảm họa đó, sóng thần khi tiến vào vịnh chỉ cao khoảng 3-4 mét, nhưng tăng lên đến 8 mét khi ập vào Palu.
Hệ thống cảnh báo thiếu hiệu quả
Sau thảm họa động đất, sóng thần khiến hơn 250.000 người ven Ấn Độ Dương thiệt mạng năm 2004, cộng đồng quốc tế đã đầu tư nguồn lực rất lớn để xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, trong đó Indonesia là một khu vực trọng điểm.
Một hệ thống cảnh báo trị giá 3 triệu USD gồm mạng lưới 22 phao nổi kết nối với các cảm biến dưới đáy biển được lắp đặt ngoài khơi Indonesia. Dựa trên dữ liệu thu thập được từ các cảm biến này, các nhà khoa học có thể nhanh chóng đánh giá nguy cơ sóng thần sau trận động đất và đưa ra cảnh báo để người dân di chuyển đến vùng đất cao.
Người đứng đầu cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia cho biết một loạt phao nổi nối với cảm biến dưới đáy biển trong hệ thống này đã không còn hoạt động kể từ năm 2012 do thiếu kinh phí bảo trì. Một điều tra của AP cho thấy chính phủ Indonesia suốt nhiều năm qua đã không cấp ngân sách 69.000 USD để lắp đặt đoạn cáp quang nối cảm biến cuối cùng với trạm quan trắc trên đất liền, khiến hệ thống không thể hoàn thiện.
Giáo sư Liu cho rằng hệ thống này "chỉ hoạt động được một phần" và nỗ lực cảnh báo của Indonesia hiện nay chủ yếu tập trung ở phía Nam, nơi có nguy cơ hứng chịu động đất, sóng thần cao hơn.
Joern Lauterjung, Giám đốc dịch vụ địa chất tại Trung tâm nghiên cứu về địa chất Đức (GFZ), cũng khẳng định hệ thống cảnh báo do cơ quan này thiết lập ở Indonesia đã hoạt động và dự đoán sóng thần cao tới 3m khi trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sulawesi. Tuy nhiên, chuỗi cảnh báo bị "đứt ở chặng cuối", khiến người dân không biết được nguy cơ sóng thần sắp ập đến.
Theo Phoenix, trước khi sóng thần ập vào, nước ở khu vực gần bờ biển sẽ bị hút ra ngoài khơi để tạo nên con sóng cao hơn. Nhiều người khi chứng kiến nước biển rút đi sẽ cho rằng nguy hiểm đã qua và đứng trên bãi biển để xem vì tò mò, cuối cùng trở thành nạn nhân khi bức tường sóng ập vào.
Một ngư dân tên là Bobi ở Palu nói với BBC rằng ngay khi nhìn thấy nước biển bị hút ra khỏi vịnh sau trận động đất, anh biết điều gì đang tới nên đưa gia đình chạy đến nơi đất cao. Nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm như Bobi. Hàng trăm người vẫn nán lại trên bãi biển để dự một lễ hội sau trận động đất và nhiều khả năng đều đã bị nước cuốn trôi.
Nhiều người sống sót nói rằng họ không nhận được bất cứ cảnh báo nào về sóng thần từ cơ quan chức năng. Nhà chức trách Indonesia khẳng định đã phát cảnh báo qua hệ thống tin nhắn điện thoại và còi báo động trên loa phóng thanh. Nhưng động đất đã khiến nhiều trạm tiếp sóng bị gãy, cột điện bị đổ, khiến người dân ở Palu không nắm được cảnh báo này.
"Sóng thần cao tới 6m là rất lớn, ngay cả khi người dân nhận được cảnh báo, việc sơ tán trong thời gian ngắn như vậy là rất khó khăn nếu không có những biển báo rõ ràng về tuyến đường di tản", Phoenix nói. "Sau nhiều năm làm việc ở Indonesia, tôi nhận thấy không có những tuyến đường sơ tán sóng thần được quy định rõ ràng ở đây".
Theo VNE