Chấn động vụ điều tra chủ tịch Interpol

Thứ ba, 09/10/2018, 09:21
Là người Trung Quốc đầu tiên làm Chủ tịch Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ lại bị chính giới chức nước này âm thầm bắt giữ để điều tra cáo buộc nhận hối lộ.

Ông Mạnh Hoành Vĩ phát biểu tại một hội nghị ở Singapore hồi tháng 7.2017, với cương vị là Chủ tịch Interpol

Ngày 8.10, Bộ Công an Trung Quốc ra thông báo cáo buộc Thứ trưởng bộ này Mạnh Hoành Vĩ (65 tuổi), người giữ chức Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), nhận hối lộ, theo tờ South China Morning (SCMP). Thông báo viết Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí đã triệu tập cuộc họp của đảng bộ vào nửa đêm và tất cả thành viên tham dự đều ủng hộ cuộc điều tra đối với ông Mạnh. Trong thông cáo, Bộ Công an Trung Quốc nhấn mạnh nghi án tham nhũng và vi phạm luật pháp của ông Mạnh đã “gây nguy hiểm nghiêm trọng” cho ngành công an và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bộ Công an Trung Quốc cũng sẽ thành lập một lực lượng để điều tra bất kỳ ai nhận hối lộ cùng với ông Mạnh.

Tối 7.10, Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc, cũng đã ra thông báo xác nhận ông Mạnh đang bị tạm giữ để điều tra với cáo buộc vi phạm pháp luật, nhưng không cung cấp chi tiết. Vài giờ sau, Interpol cho hay đã nhận được đơn xin từ chức “ngay lập tức” của ông Mạnh. Trước đó, tờ Le Parisien dẫn các nguồn tin tiết lộ chính quyền Trung Quốc đang tạm giữ và thẩm vấn ông Mạnh về nghi án tham nhũng. Theo đó, ông Mạnh bị điều tra về nghi vấn “chống lưng” một công ty không nêu tên để có được hợp đồng với chính phủ về an ninh mạng.

Bộ Công an Trung Quốc và NSC đưa ra thông báo trên sau khi Interpol hôm 7.10 chính thức đề nghị chính quyền Bắc Kinh cung cấp thông tin về sự mất tích bí ẩn của ông Mạnh. Truyền thông Pháp trước đó đưa tin cảnh sát đã mở cuộc điều tra tung tích của ông Mạnh sau khi vợ ông, bà Grace Mạnh, trình báo chồng mình mất liên lạc sau khi quay về Trung Quốc hôm 29.9. Đến ngày 5.10, SCMP dẫn một số nguồn tin cho hay ông Mạnh bị giới chức Trung Quốc bắt đi để thẩm vấn ngay sau khi vừa đặt chân về nước.

Dấu hiệu báo trước?

Phát biểu tại cuộc họp ở Lyon (Pháp) ngay trước khi NSC ra thông báo xác nhận ông Mạnh bị điều tra, bà Mạnh nói hôm 25.9 chồng có gửi cho bà tin nhắn: “Hãy chờ cuộc gọi của anh”,

4 phút sau ông gửi tiếp qua mạng xã hội hình ảnh một con dao. Bà Mạnh tin rằng đó là cách chồng mình phát tín hiệu ông ấy gặp nguy hiểm, theo tờ The Guardian. Theo luật pháp Trung Quốc, gia đình của nghi phạm sẽ được thông báo trong vòng 24 giờ trước khi người đó bị bắt giam, trừ một số trường hợp không được báo trước vì giới chức sợ công việc điều tra bị cản trở. Bà Mạnh dường như không được thông báo về vụ chồng bị bắt.

Theo một bài viết được đăng trên trang Sina.com.cn hôm qua, ông Mạnh bị cho là “con hổ” mới trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Trung Quốc. Trước đó đã có ít nhất hai dấu hiệu bất thường báo hiệu điều không hay sẽ đến với ông Mạnh. Tháng 12.2017, ông Mạnh bị miễn chức Phó cục trưởng Cục Hải dương quốc gia và Cục trưởng Cục Hải cảnh Trung Quốc. Tháng 4.2018, dù vẫn nắm ghế thứ trưởng, ông Mạnh mất chức trong đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc. Khi đó, ông Mạnh là quan chức lãnh đạo duy nhất của Bộ Công an không có chân trong đảng bộ, theo SCMP.

Bài viết trên Sina.com.cn còn lưu ý rằng Thứ trưởng Mạnh từng là cấp dưới của ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và cựu Bộ trưởng Công an. Ông Chu bị tuyên chung thân về tội nhận hối lộ, lạm quyền và làm lộ bí mật quốc gia hồi tháng 6.2015. Ông Mạnh làm trợ lý bộ trưởng khi ông Chu làm Bộ trưởng Công an (2002 - 2007). Tháng 6.2003, ông Mạnh theo ông Chu trong một chuyến công tác ở tỉnh Chiết Giang và đến tháng 4.2004 thì được thăng chức làm thứ trưởng rồi giữ chức vụ này cho đến nay.

“Bất chấp nguy cơ mất thể diện”

Trong lúc làm Thứ trưởng Công an Trung Quốc, ông Mạnh được bầu làm Chủ tịch Interpol vào năm 2016 và dự kiến nắm giữ vị trí này đến năm 2020. Ông Mạnh là người Trung Quốc đầu tiên làm Chủ tịch Interpol kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1923. Đây được xem là một thành tựu lớn với Trung Quốc và là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện trên trường quốc tế cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này, theo Giáo sư Cổ Cử Luân thuộc Đại học Hofstra (Mỹ) nhận định với tờ The New York Times. Tuy nhiên, ông Cổ cho rằng: “Việc ông Mạnh biến mất mà Interpol không hay biết gì có thể hủy hoại nỗ lực vươn ra toàn cầu của Bắc Kinh”.

Một số nhà phân tích còn đánh giá cách ông Mạnh biến mất sẽ làm tổn hại nỗ lực của Trung Quốc xây dựng thỏa thuận hợp tác với các nước khác về vấn đề thực thi pháp luật và hạn chế cơ hội để quan chức nước này được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế, theo SCMP. Trong khi đó, nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm nhận định Bắc Kinh đã biết rõ những nguy cơ trên trước khi bắt giữ ông Mạnh.

Ông Chương cho rằng: “Tôi đoán có việc khẩn cấp đã xảy ra. Đó là lý do họ chọn hành động tức thì như vậy, bất chấp nguy cơ mất thể diện trên trường quốc tế. Nếu ông Mạnh chỉ dính tới một vụ tham nhũng thông thường, nhà chức trách sẽ không cần phải xử lý vụ việc theo cách như vậy”. Tương tự, Giáo sư Dương Đại Lực tại Đại học Chicago (Mỹ) nhận định với tờ The Washington Post rằng ông Mạnh giữ một vị trí quan trọng nếu Trung Quốc muốn tạo ảnh hưởng tới các sự kiện quốc tế nên giới lãnh đạo nước này chắc có những “lý do chính trị quan trọng” để bắt giữ.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn