Trung Quốc cáo buộc cựu chủ tịch Interpol nhận hối lộ

Thứ hai, 08/10/2018, 14:51
Bộ Công an Trung Quốc nói việc ông Mạnh Hoằng Vĩ, chủ tịch Interpol vừa từ chức, "khăng khăng làm theo ý mình có nghĩa là ông ấy chỉ có thể tự trách mình vì bị điều tra".

Bộ Công an Trung Quốc hôm 8/10 cho biết ông Mạnh Hoằng Vĩ, chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vừa từ chức, đang bị giam giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Thông cáo trên website của Bộ Công an Trung Quốc nói ông Mạnh, người đồng thời là thứ trưởng bộ này, "nhận hối lộ và tình nghi phạm pháp". Thông cáo cho biết thêm rằng bất kỳ ai nhận hối lộ đều sẽ bị điều tra.

Bộ Công an Trung Quốc nói hành vi nhận hối lộ và phạm pháp khả nghi của ông Mạnh đã "gây tổn hại nghiêm trọng" cho đảng và ngành công an, nói thêm rằng lực lượng đặc nhiệm sẽ điều tra bất cứ ai tình nghi nhận hối hộ cùng ông Mạnh.

Ông Mạnh Hoằng Vĩ. Ảnh: Xinhua

Thông cáo cũng cho biết cảnh sát sẽ thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra những người có liên quan đến ông Mạnh, nói rằng "việc ông khăng khăng làm theo ý mình đồng nghĩa với việc ông chỉ có thể tự trách mình về việc bị điều tra".

Thông cáo cho hay Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí đã triệu tập cuộc họp đảng ủy lúc nửa đêm tại bộ này, trong đó tất cả những người tham dự đều ủng hộ cuộc điều tra đối với ông Mạnh và cam kết "giữ lòng trung thành chính trị tuyệt đối" với Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo đảng.

Ngay trước nửa đêm 7/10, Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc, thông báo ông Mạnh bị bắt giữ để điều tra vì tình nghi vi phạm "luật nhà nước", song không cho biết chi tiết.

Interpol cũng nhận được đơn từ chức của ông Mạnh vài giờ sau đó, và việc này "có hiệu lực ngay lập tức".

Ông Mạnh, 64 tuổi, được bổ nhiệm làm chủ tịch Interpol cho nhiệm kỳ 2016-2020. Tuần trước, vợ ông ở Lyon, Pháp, nơi đặt trụ sở Interpol, trình báo ông mất tích sau khi bà không nhận được tin tức gì từ chồng từ ngày 25/9, khi ông về Trung Quốc.

Trong khi nhiều nhà phân tích nói việc bắt giữ ông Mạnh sẽ gây tổn hại đến nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, một số khác cho rằng Bắc Kinh đã hiểu rõ về những nguy cơ trước khi hành động như vậy.

"Tôi cực kỳ chắc chắn rằng họ mong đợi một phản ứng đặc biệt từ cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra quyết định như thế", nhà bình luận chính trị Zhang Lifan tại Bắc Kinh nói với South China Morning Post.

"Tôi đoán hẳn có điều gì đó khẩn cấp. Đó là lý do cơ quan chức năng chọn cách hành động ngay lập tức như thế, bất chấp nguy cơ mất hình ảnh trên trường quốc tế".

The Zing

Các tin cũ hơn