|
Bãi xỉ than của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được chôn lấp ngày càng cao (ảnh chụp vào ngày 2.10) |
Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 1 bắt đầu hoạt động thương mại; đồng thời Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng lắp đặt xong trên 70% khối lượng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro xỉ than này.
Bãi xỉ cao 20 m
Tại bãi xỉ than của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 1 (sát nhau và chỉ cách QL1 khoảng 1 km, cách đường sắt bắc - nam khoảng 300m) vào ngày 2.10, nhiều xe tải đang vận chuyển tro xỉ từ 2 nhà máy vào bãi xỉ.
Bãi xỉ than cao 20m của Nhà máy Vĩnh Tân 2 (ảnh chụp ngày 2.10) |
Trong đó, ở bãi xỉ than Vĩnh Tân 2, có 4 xe chuyên dụng chở tro xỉ vào bãi; có 3 chiếc xe lu, ủi đang thực hiện việc chôn lấp tro xỉ cùng với vài nhân công đang tưới nước. Hiện nay bãi xỉ của Vĩnh Tân 2 đã cao khoảng 20 m (nằm trong khu vực rộng 40 ha) sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có 2 tổ máy với công suất 1.244 MW, mỗi ngày 2 tổ máy này đốt khoảng hơn 14.000 tấn than và thải ra lượng tro xỉ từ 3.500 đến 4.000 tấn (tương đương 37,5%), mỗi năm thải ra chừng 1,2 triệu tấn.
Còn tại bãi xỉ than của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (rộng gần 60 ha), cũng đã có hơn 3.000 tấn tro xỉ sau khi 2 tổ máy của nhà máy này đi vào hoạt động thử nghiệm. Nhà máy Vĩnh Tân 1 cũng có 2 tổ máy (nhưng chỉ 1.200 MW), hiện đã có 1 tổ máy phát điện thương mại (tổ máy còn lại đang phát thử nghiệm) và lượng tro xỉ than thải ra khoảng 25 - 30% (tức khoảng 3.500 tấn/ngày, khoảng hơn 1,1 triệu tấn/năm).
Hồ chứa nước rút từ bãi xỉ than Vĩnh Tân 1, phía trên là bờ đê bãi xỉ thiết kế cao hơn 15m. Bãi xỉ của Vĩnh Tân 1 là 59ha |
Riêng nhà máy Vĩnh Tân 4 (2 tổ máy 1.200 MW) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (1 tổ máy 600 MW) cũng đốt bằng than nhập khẩu (không đốt than trong nước) nên lượng tro xỉ chỉ thải ra 4%. Còn Nhà máy Vĩnh Tân 3 (3 tổ máy, 1.980 MW) cho tới nay mới chỉ san gạt xong mặt bằng, chưa khởi công. Toàn bộ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được đầu tư tương đương khoảng 10 tỉ USD. Khi các nhà máy nói trên đều đi vào hoạt động sẽ phát sinh khoảng 3,8 triệu tấn xỉ than mỗi năm.
Nỗi lo ô nhiễm môi trường
"Bài toán tiêu thụ tro xỉ than vẫn chưa có lời giải dù Vĩnh Tân 2 đã hoạt động 3 năm. Các nhà máy khác cũng sắp hoạt động chính thức, chắc chắn là vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường liên quan xỉ than sẽ là vấn đề nóng. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương...". Ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND H.Tuy Phong |
Ông Nguyễn Văn Phúc, người dân thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân), cho biết bãi xỉ ngày càng cao khiến người dân lo ngại vỡ bờ bao. “Bãi xỉ này họ dùng xỉ đắp rồi lát đá, không có móng kiên cố. Nếu bãi xỉ quá cao mà vẫn không có đầu ra thì nguy cơ vỡ bãi xỉ là rất có thể. Chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền nhiều lần vấn đề này rồi”, ông Phúc lo ngại.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, cho biết bãi xỉ Vĩnh Tân hiện nay luôn là nỗi lo của chính quyền và người dân địa phương. “Nắng lo mùa nắng, mưa lo mưa. Nắng thì sợ bãi xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Mưa thì lo bãi xỉ có thể vỡ bờ bao. Theo chỉ đạo của UBND huyện, hiện chúng tôi có một tổ chuyên trách luôn kiểm soát, theo dõi bãi xỉ. Lo cho bãi xỉ mệt lắm anh à!”, ông Sang lo lắng.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Văn Điển - Chủ tịch UBND H.Tuy Phong, lo ngại lớn nhất hiện nay ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (5 nhà máy, nhà máy số 3 chưa khởi công) chính là không có lối ra tiêu thụ tro xỉ than.
“Bài toán tiêu thụ tro xỉ than vẫn chưa có lời giải dù Vĩnh Tân 2 đã hoạt động 3 năm. Các nhà máy khác cũng sắp hoạt động chính thức, chắc chắn là vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường liên quan xỉ than sẽ là vấn đề nóng. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy đề nghị tỉnh và các bộ ngành phải có giải pháp quyết liệt để giải quyết đầu ra cho tro xỉ than như đã cam kết”, ông Điển nói.
Vẫn chỉ chôn lấp
Ông Lê Đắc Quý, Quản đốc bãi xỉ than Vĩnh Tân 2, thừa nhận hiện nay việc chôn lấp tro xỉ vẫn sử dụng quy trình cũ là tưới ướt rồi lu, lèn. Không sử dụng lớp hồ dầu xi măng trải lên lớp mặt bãi xỉ như trước. Hiện toàn bộ khu vực bãi xỉ có hệ thống bơm tưới tự động, nên không có tình trạng tán phát bụi tro.
Còn ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1, cho biết lượng tro xỉ của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 khoảng 20% (khoảng 1,4 triệu tấn/năm). Hiện công ty đang chuẩn bị nhập lô 25 xe chuyên dụng từ Trung Quốc để vận chuyển tro xỉ từ nhà máy ra bãi xỉ. Bãi xỉ của nhà máy này hiện được thiết kế hệ thống giếng thu gom nước, gom vào hồ chứa rồi lọc để tái sử dụng.
Ông Lê Văn Danh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3 - EVN - chủ đầu tư Nhà máy Vĩnh Tân 2), thì cho biết hiện nay nhà máy gạch từ tro xỉ Mãi Xanh chậm tiến độ, nhưng lại có các đối tác khác đang muốn hợp tác để tiêu thụ tro xỉ. Thậm chí có cả đơn vị mua tro xỉ để vận chuyển bằng đường biển vào khu vực phía nam và TP.HCM làm vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cho tới thời điểm này chưa có bất cứ đơn vị nào ký hợp đồng chính thức tiêu thụ tro xỉ than Vĩnh Tân. Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện có một đơn vị có năng lực trong tiêu thụ tro xỉ than ở Quảng Ninh muốn đầu tư nhà máy tiêu thụ tro xỉ ở Vĩnh Tân.
Liên quan tiến độ nhà máy tiêu thụ tro xỉ than của Công ty TNHH Mãi Xanh (sử dụng tro xỉ để làm gạch - PV), ông Hai cho hay: “Ngày 2.10 UBND tỉnh triệu tập cuộc họp để bàn tiếp nhưng Công ty Mãi Xanh không cử đại diện đến dự với lý do sếp đang ở nước ngoài. Trường hợp Nhà máy Mãi Xanh chậm tiến độ và chủ đầu tư này không có năng lực, thì chúng tôi tính đến việc thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư tiềm năng khác”.
Đưa nhiệt điện Vĩnh Tân vào giám sát quốc gia
Tại buổi làm việc với Tập đoàn EVN vào chiều 3.10, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, đề nghị EVN triển khai sớm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương về việc hoàn chỉnh các đề án tiêu thụ tro xỉ đối với từng chủ phát thải. Đây là vấn đề cấp thiết nhất đối với Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, cuối tháng 9 vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT cũng đã vào kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Nhưng các hoạt động của Bộ được kiểm tra độc lập. Việc kiểm tra cũng nhằm phát hiện các sai sót, đồng thời phục vụ cho việc đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào diện giám sát đặc biệt quốc gia, như kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận.
|
Theo Thanh Niên