|
Con đường nhựa bị trồi lên cao hơn 8m, đứt gãy ở làng Petobo |
Chỉ trong vài giây phút ngắn ngủi, cả hai ngôi làng Balaroa và Petobo rùng rùng dịch chuyển, mặt đất dợn sóng nhấp nhô, bóp nát, xáo trộn và nuốt chửng nhà cửa, ruộng vườn cùng con người trên đó. Trong những ngày ở Palu, nhóm phóng viên Thanh Niên đã tìm lời giải cho hiện tượng địa chất kỳ lạ này.
Ngay khi xảy ra thảm họa động đất kèm sóng thần từ chiều 28.9, có một hiện tượng địa chất kỳ lạ xảy đến với vùng bị nạn ở hai làng Balaroa và Petobo. Xét về vị trí, cả hai ngôi làng này đều nằm gần chân núi, xa với hướng biển nên không bị những đợt sóng thần tác động. Khoảng cách giữa hai làng khoảng 10km, nhưng đều có chung một hiện tượng là bề mặt địa chất xáo trộn, hiện đang là nơi tập trung tối đa các lực lượng cứu nạn bởi còn nhiều thi thể dù được phát hiện nhưng vẫn chưa thể đưa ra khỏi đống đổ nát.
Thông tin được BNBP (Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia) công bố cuối giờ chiều 4.10: Petobo có tổng diện tích 1.040ha, trong đó 180ha với 2.050 ngôi nhà bị phá hủy. Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Balaroa có diện tích 47,8ha, với hơn 1.747 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm thi thể nạn nhân ở làng Balaroa |
Cả ngôi làng trượt đi hơn 1km
Chị Nurhayati, một nhân chứng sống sót sau cơn động đất ở làng Petobo, kể lại với phóng viên Thanh Niên sáng qua 5.10: “Tôi và chồng đang đi bộ trên đường làng, mặt đất tự nhiên rung chuyển, chúng tôi dìu nhau chạy ra phía con đường nhựa. Nhà cửa khi ấy rung lắc, cây cối ngả nghiêng, chồng đẩy tôi lên phía trước, tôi chỉ biết cắm đầu chạy, một lúc sau nhìn lại không thấy anh ấy đâu nữa. Con đường xuất hiện những vết đứt gãy, lồi lõm khủng khiếp, nuốt chồng tôi vào trong đó”. Nurhayati là người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần ở làng Petobo khi xảy ra thảm họa kỳ lạ khiến các nhà địa chất học Indonesia tham gia nghiên cứu, được định danh bằng thuật ngữ địa chất học là hiện tượng đất hóa lỏng (Soil Liquefaction).
Theo quan sát của nhóm PV tại Petobo, cả ngôi làng bị trồi lên khỏi mặt đất chừng hơn 8m, tạo thành một khu đồi nhỏ, chứa trên đó tất cả những gì hiện hữu của Petobo, chỉ có điều mọi thứ đã nát bươm, và ngôi làng dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu hơn 1 km. Tìm hiểu về hiện tượng kỳ lạ này, chúng tôi may mắn gặp được tiến sĩ Sukiman Nurdin, Trưởng khoa Đào tạo chuyên ngành kỹ sư địa kỹ thuật của Đại học Tadulako Fakultas Teknik, ông cũng đồng thời là chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu địa chất, cấu trúc địa tầng, kết cấu địa tầng và kỹ thuật vật liệu ở Palu. Từ sau khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra, tiến sĩ Sukiman Nurdin bám trụ mỗi ngày ở hai làng Balaroa và Petobo để nghiên cứu những tác động và hệ lụy của hiện tượng đất hóa lỏng.
Trao đổi tại hiện trường, tiến sĩ Sukiman Nurdin đưa ra lý giải về hiện tượng đất hóa lỏng và trượt đi ở làng Petobo: “Vùng bị nạn ở Petobo rộng hơn 100ha, ngôi làng nằm trên một triền núi, có kết cấu tầng sâu là đá, rồi các lớp bùn, đất sét, cát, đất thịt phủ lên trên, độ dốc thoải. Người dân sống trên đó, xây dựng nhà cửa, trồng trọt. Ở đó có những cây rất to vì phần đất nền dày trung bình từ 3 - 10m. Khi nước tích lại trên bề mặt, rút nhanh vào cát, thấm đến tầng đất sét và bùn khiến lớp này hóa lỏng, với độ dày trung bình hơn 2m. Khi đó bề mặt địa hình vẫn nguyên vẹn, nhưng phần nền trong lòng đất mất độ bám với địa tầng. Động đất khiến cả làng trượt xuống vùng thấp hơn. Con đường chắn dưới chân núi có kết cấu khá vững, vô tình tạo thành vật cản khiến lớp đất bề mặt bị xô lại, từ đó xảy ra những đứt gãy, chèn ép và bóp nát mọi thứ trên bề mặt. Đất uốn lượn, trồi sụt thành từng mảng như sóng, cao từ 8 - 15m”.
Nói về hiện tượng đất hóa lỏng, tiến sĩ Sukiman Nurdin cho biết thêm: “Ở góc độ nghiên cứu, từ năm 2012 chúng tôi đã nhận được những báo cáo khá chi tiết từ Bộ Tài nguyên - Năng lượng, chỉ ra Palu là một trong những địa danh có mức báo động hàng đầu về nền đất yếu và dễ bị hóa lỏng ở đảo Sulawesi. Tuy nhiên, từ xưa đến nay chúng tôi chưa từng gặp những thảm họa tương tự và kinh hoàng như lần này”.
Tiến sĩ Sukiman Nurdin |
Thảm họa khi đất hóa lỏng
Hiện tượng đất hóa lỏng ở làng Balaroa lại khác hẳn với Petobo. Nhân chứng Welia kể lại: “Gia đình tôi có 15 người, tôi rời nhà đi vào trung tâm thành phố mua đồ và trở về chưa đầy 15 phút, nhưng cả làng và người thân đều biến mất. Mọi thứ đang bình yên, bỗng tụt vào một cái hố bùn, phát ra lửa, rồi trồi sụt trong đó, chẳng còn thứ gì tồn tại. Thật khủng khiếp”.
Tại Palu mỗi ngày vẫn có vài cơn rung lắc nhẹ có thể cảm nhận, số lượng các tử thi vẫn còn tăng sau những cuộc kiếm tìm từ hai ngôi làng Balaroa và Petobo. Ở sân bay, các chuyến trực thăng và máy bay vận tải Hercules C-130 cùng các hãng bay thương mại của Wings Air, Lion Air, Batik Air, Jayawijaya… vẫn tiếp tục đưa nạn nhân động đất, sóng thần về nơi trú ngụ an toàn ở hai thành phố Makassar (đảo Sulawesi) và Balikpapan (đảo Kalimantan). Phóng viên Thanh Niên tiếp tục bám hiện trường ghi nhận những thông tin mới nhất về thảm họa ở Palu. |
Đứng trước đống đổ nát của làng Balaroa chiều 5.10, tiến sĩ Sukiman Nurdin lý giải: “Khác với Petobo, đất hóa lỏng ở Balaroa được chúng tôi gọi là hiện tượng phản ứng tại chỗ. Vị trí ngôi làng vẫn giữ nguyên về mặt địa lý, có điều như có bàn tay thần kỳ đẩy các tòa nhà lên cao rồi nhận chìm xuống dưới, khiến toàn bộ bề mặt bị bóp nát, trộn vào nhau. Để dễ hiểu hơn, bạn cứ hình dung khi ăn một tô mì trên đó có rau và đủ thứ đi kèm, rồi dùng đũa trộn. Mọi thứ vẫn trong đó, nhưng tất cả đều bị đảo lộn”. Tình hình về nạn nhân ở làng Balaroa được xác định là khủng khiếp nhất, mức độ tàn phá kinh hoàng nhất trong thảm họa ở Palu.
Nói về mặt địa chất học, tiến sĩ Sukiman Nurdin chia sẻ thêm: “Balaroa nằm trên một túi bùn, khi có động đất, bề mặt đứt gãy của địa tầng khiến nước biển tràn vào, làm phần nền cả ngôi làng được ghi nhận có lực tải đất nền (soil capacity power) bằng không. Khi cả làng sụt vào hố bùn, những kết cấu thượng tầng mang nhiều tải trọng tạo nên va đập khác nhau, cảm giác như tụt vào miệng hố sâu khoảng 10 m rồi vùi lấp trong đó, tất cả biến mất trong vài giây ngắn ngủi”. Theo lời kể của những người sống sót từ Balaroa, động đất xảy ra chỉ 1 đến 2 phút sau cả ngôi làng bị phá hủy, trong quá trình trồi sụt ấy còn phát ra lửa khiến nhiều nhà cửa cháy đen, tăng cấp độ hủy hoại thêm nhiều lần.
Công việc của tiến sĩ Sukiman Nurdin vẫn tiếp tục để hoàn thiện các bản nghiên cứu về sức bền, sức chịu đựng của vật liệu phổ thông, của nhà cửa và nền đất chịu lực, từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý trong việc đáp ứng nhu cầu quy hoạch, tái thiết nơi ở ổn định và an toàn cho người dân.
Trước khi chia tay, chúng tôi biết thêm thông tin những nghiên cứu ban đầu của tiến sĩ Sukiman Nurdin và những nhà địa chất học Indonesia đã có tác động đến công tác tái thiết nơi ở mới cho người dân. Tiến sĩ Sukiman Nurdin nói: “Tôi mới nhận được tin người phát ngôn của BNBP, ông Sutopo Purwo Nugroho chiều 4.10 cho báo giới biết rằng những đề nghị của chúng tôi đang được nghiên cứu và xem xét cụ thể, trước mắt chính phủ sẽ tái định cư cho cư dân vùng thảm họa đất hóa lỏng càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là thuyết phục họ về nơi tái định cư mới có phần đất ổn định hơn để dựng lại nhà cửa hơn là trở lại những nơi có khả năng xảy ra đất hóa lỏng, bởi nguy cơ thảm họa có thể đến bất kỳ lúc nào”.
Theo Thanh Niên