|
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga tại Sevastopol. Ảnh: RIA Novosti. |
Ấn Độ vừa ký hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD mua tên lửa phòng không S-400 của Nga, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc trở thành ba khách hàng lớn nhất sở hữu hệ thống đầy uy lực này, theo Al Jazeera.
Ngoài những hợp đồng tỷ USD đã ký, một số quốc gia như Arab Saudi và Qatar cũng đang bày tỏ sự quan tâm đến tổ hợp tên lửa phòng không này, dù luôn phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp đặt cấm vận theo Đạo luật Chống đối thủ thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA).
Theo bình luận viên Yarno Ritzen, lý do S-400 hấp dẫn nhiều quốc gia đến vậy bởi nó được đánh giá là một trong những loại khí tài hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có những ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.
Tên lửa S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác, theo dõi số lượng lớn mục tiêu tiềm năng, kể cả máy bay tàng hình. Tổ hợp này còn có thiết kế mô-đun và độ cơ động cao, cho phép triển khai, phóng tên lửa, thu hồi và di chuyển trong vòng vài phút, nhà nghiên cứu Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Stoockholm (SIPRI) nhận định.
"Đây là tổ hợp có thể sử dụng nhiều loại tên lửa, gồm tên lửa tầm xa, tầm trung và thậm chí cả tầm ngắn theo nhu cầu của bên sử dụng", theo nhà phân tích quân sự Kevin Brand thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế.
Brand cũng cho rằng các đặc tính của S-400 như hoạt động ổn định, độ linh hoạt và cơ động cao là điều mà nhiều quốc gia đang tìm cách phát triển cho mạng lưới phòng không của mình.
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng phòng không là một thế mạnh mang tính lịch sử của Nga. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong khi Mỹ tìm cách chiếm ưu thế tuyệt đối trên không với các tiêm kích hiện đại, Liên Xô lại tập trung phát triển các tổ hợp tên lửa phòng không nhằm xây dựng mạng lưới phòng thủ đáng tin cậy.
Bởi vậy, mẫu tên lửa hiện đại như S-400 được cho là sở hữu những năng lực mà các tổ hợp tương tự của Mỹ và đồng minh không thể có được.
"Radar, cảm biến và tên lửa của tổ hợp S-400 có thể kiểm soát khu vực rộng lớn. Bán kính giám sát của radar tối thiểu là 600km và tên lửa có tầm bắn lên đến 400km", Wezeman cbo biết. "Trong khi đó, tên lửa của tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất chỉ có tầm bắn khoảng 160km".
Mỹ trong 20 năm qua tập trung vào phát triển khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, nên các tên lửa đánh chặn của họ không phù hợp để đối phó với tiêm kích đối phương, biên tập viên Sebastien Roblin của National Interest, nhận xét.
"Lầu Năm Góc triển khai các tổ hợp tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo (ABM) như Patriot PAC-3 MSE, THAAD, GMD và SM-3. Nhưng đối với chiến đấu cơ đối phương, các tổ hợp phòng không của Nga là lựa chọn tối ưu", Roblin viết.
Việc Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ cũng là lý do khiến vũ khí Nga nói chung và tổ hợp S-400 nói riêng được nhiều quốc gia ưa chuộng. "Nga sẵn sàng cung cấp S-400 cho bất cứ quốc gia nào có nhu cầu và chia sẻ công nghệ ở mức độ nào đó", Wezeman giải thích.
Các chuyên gia cho rằng đây là những lý do khiến Ấn Độ đặt bút ký vào hợp đồng mua tổ hợp S-400 của Nga ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với đơn vị quân đội Trung Quốc vì hợp đồng tương tự.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, còn có lý do khác để mua tổ hợp S-400 bất chấp sự ngăn cản của các đồng minh trong khối. Việc sở hữu S-400 sẽ gây khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỹ trong việc tích hợp tổ hợp này vào hệ thống mạng lưới vũ khí theo chuẩn NATO, nhưng Ankara lại coi hợp đồng mua S-400 của Nga là thông điệp "không chấp nhận cúi đầu, thể hiện khả năng tự quyết, thậm chí thách thức cả Mỹ và NATO", Wezeman nhận định.
Theo VNE