Theo Financial Times hôm 22-10, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones, nói Anh có nghĩa vụ thể hiện sự ủng hộ vật chất cho các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chống lại việc Trung Quốc coi thường công ước quốc tế về luật biển.
Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones. Ảnh: Financial Times |
"Nếu họ có cách diễn giải khác về công ước dành cho đa số quốc gia thì điều đó phải bị phản đối. Nếu không, họ sẽ ngay lập tức thấy rằng các nước trên thế giới cũng sẽ bắt đầu có cách diễn giải riêng của họ" - tư lệnh hải quân Anh nói.
Khi được hỏi liệu có tiếp tục triển khai tàu chiến Anh đi qua Biển Đông hay không, ông Jones nhấn mạnh Anh sẽ tiến hành thêm các chuyến đi như vậy, sẽ đi qua vùng biển với những tàu có sẵn ở trong khu vực.
Trước đó, Reuters hồi tháng 9 đưa tin tàu chiến HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã thực hiện chuyến đi nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo đó, tàu đổ bộ HMS Albion này đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) hồi cuối tháng 8.
Tàu hải quân Anh HMS Albion. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc đã phái một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức tàu Anh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó ra thông cáo phản đối kịch liệt hành động này. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định: "HMS Albion thực hiện các quyền tự do hàng hải của mình theo khuôn khổ luật pháp và các quy định quốc tế".
Trong khi đó, hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson bày tỏ hy vọng có thể triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth – tàu sân bay lớn nhất của Anh tham gia sứ mệnh tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông một khi nó đi vào hoạt động năm 2020.
Theo NLĐ