Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về việc đuổi học sinh viên bán dâm lần thứ 4?

Thứ ba, 30/10/2018, 11:07
Trong phần trả lời rất nhanh bên hành lang Quốc hội sáng 30.10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định quan điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) là "sai phải sửa và kiên quyết sửa".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bên hành lang Quốc hội

Liên quan tới dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có quy định sinh viên sẽ bị buộc thôi học khi mại dâm tới lần thứ 4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, vấn đề này đã được một thứ trưởng của Bộ trả lời báo chí trong ngày hôm qua, 29.10. "Quan điểm của Bộ là sai phải sửa và kiên quyết sửa”.

Ông Nhạ cũng khẳng định sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân trong ban soạn thảo có liên quan đến việc này.
Trước đó, như PV đưa tin, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư về Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp.
Trong dự thảo quy chế này, có nhiều nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật khác nhau. Đặc biệt, trong dự thảo này phần phụ lục “một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật học sinh - sinh viên” có nội dung sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 1: khiển trách, lần thứ 2: cảnh cáo, lần thứ 3: đình chỉ có thời hạn, lần thứ 4: buộc thôi học.
Bên cạnh đó, các khung xử lý buộc thôi học còn được áp dụng cho các hành vi uống rượu, bia trong giờ học; say rượu bia khi đến lớp; đánh bạc trên lớp; tàng trữ, lưu hành văn hóa đồi trụy hoặc tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép; buôn bán, tàng trữ, lôi kéo người khác sử dụng ma túy...
Thông tin buộc sinh viên thôi học khi mại dâm lần thứ 4 đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Thực tế, khung hình phạt buộc sinh viên thôi học khi mại dâm lần thứ 4 đã có trong Thông tư 10 năm 2016 quy định quy chế công tác sinh viên các trường đại học hệ chính quy. Đến dịp này, Bộ GD-ĐT mới soạn thảo quy chế công tác sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp khối ngành khác đã được chuyển về Bộ Lao động, thương binh, xã hội quản lý.
Trong ngày hôm qua, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thực hiện kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch soạn thảo Thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy thay thế Quy chế công tác học sinh, sinh viên theo QĐ số 42/2007/QĐ-BGDĐT. Theo kế hoạch Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với thực tiễn
Quá trình soạn thảo thông tư này, ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.
Nhà trường chỉ nên có giáo dục
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30.10, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, vấn đề mại dâm là vấn đề rất nhạy cảm của xã hội nhưng nếu được đưa vào quy chế thì không được.
"Chúng ta đã nhiều lần thảo luận với nhau có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không cũng rất thận trọng khi chúng ta là nước rất trọng nhân phẩm, phẩm chất người phụ nữ. Đặc biệt đối với tuổi còn trẻ, thanh niên thì đưa vấn đề xử lý mại dâm vào không là không nên, nhất là khuôn viên học đường, nơi lẽ ra chỉ làm giáo dục. Cho dù ở góc độ nhân đạo ta có thể tính đến việc này nhưng trở thành quy chế thì không được", ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, nếu gọi đây là nhân văn thì nên nhân văn ở chỗ khác và có nhiều cách khác để các cháu hoàn lương. "Ta không coi việc xử lý là vĩnh viễn và nếu các cháu có một số điều kiện thì lại tạo điều kiện cho các cháu đi học. Việc xử lý phải nghiêm khắc chứ nhà trường không phải là nơi để nói việc đó. Chả nhẽ bạn này lại hỏi bạn kia mấy lần rồi. Nghe như thế nó thành đối phó là chính, thậm chí còn là khuyến khích", đại biểu Quốc nói.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn