Xe ôm công nghệ: phập phồng chạy xe giữa đêm

Thứ ba, 30/10/2018, 10:56
Từ chối các chuyến đi xa, vào ngõ vắng, những nơi cảm thấy mất an toàn - an ninh trật tự, khách đặt chuyến không qua ứng dụng, với những khách hàng là nam.

Đó là những gì mà giới xe ôm công nghệ chạy đêm ở TP.HCM luôn phải ghi nhớ và "nghiêm túc" thực hiện nếu như không muốn gặp phải những tổn thất, nguy hiểm... trong khi hành nghề.

Đêm trắng bên vỉa hè

Gần 12h đêm 22-10, khi mà đường sá bắt đầu vắng người, bên vỉa hè (đường Bạch Đằng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM), tài xế GrabBike Nguyễn Thành Trung (đã đổi tên theo yêu cầu của nhân vật), 21 tuổi, vẫn không rời mắt khỏi màn hình điện thoại. Trung vuốt lấy vuốt để để tìm kiếm khách hàng đặt chuyến.

Để bảo vệ an toàn cho bản thân, các tài xế công nghệ chạy đêm thường phải lựa chọn, cân nhắc rất kỹ trước khi đồng ý chở khách đi

Là dân miền Tây lên Sài Gòn học nghề hớt tóc, tranh thủ những thời gian rảnh vào ban đêm, Trung nhận chạy Grab để kiếm thêm thu nhập.

"Mình bắt đầu chạy sau 18h, đến khoảng chừng 6-7h sáng thì về, ngủ thêm được chừng đến gần 9h thì phải ra lại tiệm học nghề. Ở tiệm tóc, nếu vắng khách thì mình ngủ bù. Tính ra thì cũng chẳng thiếu ngủ là bao" - Trung bộc bạch.

Trắng đêm bên vỉa hè

Cũng chạy Grab vào ban đêm, anh Nguyễn Bá Lai (chạy ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình), cho biết vì công việc chính thường làm vào ca chiều, nên anh tranh thủ chạy kiếm thêm thu nhập.

Mỗi ngày nếu khỏe, anh Lai chạy xe từ 19h đến chừng gần 5h hôm sau. Mỗi tháng cho thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng. Có khách thì chạy, không khách thì nhóm Grab đỗ chung tụm lại bên vỉa hè nói chuyện. Vừa để khỏi buồn ngủ mà vẫn có thể bắt được khách.

"Anh em tụi tui hầu như đêm nào cũng thức trắng. Cũng không sao, tụi tui ngủ bù hôm sau, miễn có tiền về nuôi vợ chăm con" - anh Lai chia sẻ.

Nơm nớp nỗi lo

1h ngày 23-10, có việc cần đi từ Phạm Viết Chánh (Q.1, TP.HCM) đến Q.2, anh Trần Lê Ninh (quê Quảng Ngãi) tỏ ra ngạc nhiên khi mặc dù anh nhìn thấy rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ đang ngồi bên đường, nhưng chẳng ai nhận chuyến mà mình vừa đặt.

Anh Ninh hủy chuyến và đặt lại một chuyến mới cũng từ điểm đó nhưng đi đến chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh). Ngay lập tức, một tài xế trong nhóm đằng xa chạy đến nhận chuyến.

Nhìn vào màn hình điện thoại lúc nửa đêm chờ khách đặt xe.

Anh Phạm Vê Ly (tài xế Hãng Go-Viet), người nhận chuyến đi từ Phạm Viết Chánh đến chợ Bà Chiểu của anh Ninh, cho biết, do từ Phạm Viết Chánh của Q.1 đến chỗ anh Ninh cần đến ở Q.2 khá xa, khu vực này theo giới tài xế nhận xét thường xảy ra cướp giật nên dù có xa nhưng các tài xế vẫn không muốn nhận.

Anh Ly chia sẻ do những năm gần đây đã xảy các vụ khách hàng giết người, cướp của của các tài xế trong đêm khiến các tài xế phải luôn cảnh giác.

"Đi xa, nhiều tiền thì ai mà chả thích. Nhưng thà có ít tiền hơn một tí để còn có thể về với vợ con thì cũng hay hơn có thêm vài chục bạc rồi bỏ mạng hoặc thương tật"

anh Ly nói.

Trung còn tiết lộ vào ban đêm, nếu có các khách đón trực tiếp trên đường và không qua ứng dụng thì "đố" tài xế nào dám nhận. "Những vị khách đó chưa được xác minh thân phận cụ thể. Những người đặt chuyến trên ứng dụng thì còn hiện số điện thoại, gmail này nọ. Chứ lỡ bắt những khách kia, đêm khuya đi trên đường rồi xảy ra chuyện thì sao" - Trung phân trần.

Ngoài ra, Trung còn kể rạng sáng 18-10, một khách nam cũng đặt chuyến qua ứng dụng bình thường. Thấy địa điểm đón là Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh), địa điểm đến là một trung tâm thương mại ở Q.1.

Nghĩ chuyện bình thường, Trung nhận chuyến và đến đón khách bình thường. Tuy nhiên, vừa mới lên xe chạy được một đoạn thì vị khách này muốn đổi địa điểm đến từ Q.1 thành Q.7. Thấy có chuyện chẳng lành, Trung quyết định không đi tiếp và xin thanh toán tiền.

Sau một hồi trình bày lý do vì có việc đột xuất phải đi Q.7 nhưng bị Trung từ chối, nam khách bực tức và đã bộc lộ bản chất "giang hồ" của mình. Vị này liên tục lăng mạ, dọa đánh và quyết không trả tiền cho Trung. Thấy biểu hiện, thái độ của khách thay đổi khác trước, Trung tìm cách rút đi để khỏi phải xảy ra xô xát.

"Nhiều lúc, có khách đặt mà mình không chạy thì cũng kỳ, nhưng chạy thì thực sự rất nguy hiểm và áp lực. Mất tiền cũng chả sao, còn hơn mất mạng " - Trung chia sẻ thêm.

Thành lập đội nhóm hỗ trợ tài xế chạy xe đêm

Trước thông tin tài xế GrabBike bị sát hại khi chạy xe ban đêm, tinh thần của tài xế xe công nghệ cũng lo lắng hơn. Một số lãnh đạo đơn vị xe công nghệ đã thay đổi nhiều chính sách để khích lệ, động viên tinh thần của tài xế.

Trao đổi với PV ngày 25-10, một lãnh đạo của ứng dụng gọi xe Aber VN cho biết để hỗ trợ anh em tài xế chạy ban đêm, công ty đã thành lập nhiều đội nhóm gồm đội trưởng, đội phó để kết nối trợ giúp tài xế nếu xảy ra trục trặc không hay.

Theo vị này, việc lập đội nhóm hỗ trợ nhau được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM, Mỗi quận gồm 1 đội trưởng và 2-3 đội phó với nhiệm vụ tang cường trao đổi, kết nối tài xế vào các hội, nhóm của công ty để kiểm soát. Các đội trưởng và tổ trưởng đều được công ty trả lương lần lượt từ 6-8 triệu và từ 2-4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ứng dụng Aber cũng bắt đầu thay đổi để bảo vệ tài xế chạy xe ban đêm hơn. Ban ngày, tài xế chỉ nhận địa chỉ đón khách và địa điểm đến mới được hiện thị khi đón được khách.

Bắt đầu từ sau 20h tối 5h sáng hôm sau, ứng dụng sẽ hiện thị cả địa chỉ đón và trả khách để tài xế quyết định có thực hiện chuyến xe này hay không.

"Ngoài việc tập huấn, trang bị kỹ năng cho anh em tài xế, công ty còn hỗ trợ cho tài xế ôtô chạy ban đêm cho mỗi chuyến xe là 25.000 đồng, xe máy 10.000 đồng" - vị này nói.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích